khoản tiền khổng lồ từ chính các công dân nước mình và từ người
dân Mỹ, và in tiền vô tội vạ. Đến khi chiến tranh chấm dứt, cả
châu Âu đều sa vào tình trạng lạm phát. Mặc dù cung tiền của nước
Mỹ cũng tăng gấp đôi, song chỉ có một phần nhỏ nguyên nhân
xuất phát từ việc tài trợ tiền của cho chiến tranh gây hiệu ứng lạm
phát, vì nước Mỹ ít phải viện đến phương thức này, mà chủ yếu là
do dòng vàng ồ ạt chảy vào nước này. Thực tế này đã tạo nên hình
mẫu thống trị suốt thập kỷ tiếp đó: châu Âu gồng mình đương
đầu với những hậu quả và gánh nặng mà quá khứ để lại, còn nước Mỹ
lại phải vật lộn với đống vàng mới đổ về túi mình.
VÀO NGÀY HOÀNG ĐẾ trốn khỏi nước Đức, Schacht đang ở
Berlin. Buổi sáng hôm ấy, mặc dù hoàng đế vẫn chưa thoái vị - và
chỉ chính thức tuyên bố rời bỏ ngai vàng hai tuần sau đó từ nơi ẩn
náu của mình tại Hà Lan – song thủ tướng Đức, hoàng tử Max xứ
Baden, một người anh em họ xa của ngài, đã tự công khai tin hoàng
đế đã ra đi. Cả thành phố giờ chẳng khác nào một khu trại có vũ
trang, dây thép gai giăng chằng chịt khắp nơi và xe cộ bị lật nhào
chắn ngang các nẻo đường. Không khí cách mạng len lỏi trong từng
ngõ ngách. Một cuộc tổng đình công đã được phát động, hàng ngàn
công nhân cùng binh lính tuần hành qua trung tâm thành phố đòi
thành lập nền cộng hoà.
Tầm trưa, vừa bước ra khỏi khách sạn Esplanade gần
Potsdammerplatz, Schacht đụng độ một đoàn lính hộ vệ Đỏ ngồi
trên thùng chiếc xe tải chạy ngang qua quảng trường. Tại nhà ga,
một loạt súng máy xếp hàng sẵn sàng điểm hoả. Dường như không
có ai nắm quyền chỉ huy cả. Để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra,
và để tránh bị cuốn vào đám đông, Schacht và người bạn hữu thẳng
hướng Bắc đến toà nhà nghị viện Đức Reichstag, song ở đây không
có lấy một bóng người. Một phút trước đó, Philipp Scheidermann,
một lãnh tụ của đảng Dân chủ Xã hội, đã tự ra tay đẩy bánh xe lịch sử