khi đứng ra ban công và tuyên bố khai sinh nền cộng hoà trước sự
có mặt của đông đảo người dân đang tụ tập bên dưới, mặc dù nghị
viện chưa từng thông qua một quyết định nào như thế. Vậy là nền
cộng hoà Đức mới đã ra đời. Dân chúng sau đó bèn hò nhau kéo đến
cung điện của hoàng đế đã bỏ không, điện Berliner Schloss.
Về sau Schacht có nhận xét rằng, ngay giữa bầu không khí hỗn
loạn của những ngày tháng kịch tính đó, vẫn luôn tồn tại một thứ trật
tự kiểu Đức rất đặc trưng. Triều đại phong kiến có thể đã sụp đổ và
toàn bộ hệ thống chính trị của cả nước Đức đã hoàn toàn đảo lộn,
song những người dân thường vẫn tiếp tục công việc hàng ngày của
mình, cố gắng phớt lờ các cuộc biểu tình. Xe điện vẫn không ngừng
chạy; nguồn cung ứng điện, nước và gas không hề bị gián đoạn; và
gần như không ai bị giết - con số thương vong trong ngày hôm đó
thậm chí còn chẳng lên tới mười lăm người. Ngay cả khi vài phát súng
chỉ thiên nổ ra ngay sát cung điện, thì theo bản năng, đám đông di
tản vẫn tỏ ra hết sức tôn trọng luật pháp và lịch sự tuân theo biển
báo cấm giẫm chân lên cỏ.
Trên khắp đất nước, các hội đồng của công nhân và binh lính
đua nhau lập ra và thâu tóm luôn các chức năng của chính quyền địa
phương. Vào ngày mồng 10 tháng Mười Một, Schacht được bầu vào
hội đồng nhân dân địa phương, sự kiện này khiến ông vô cùng hào
hứng. Sau khi phát đi tuyên bố chào mừng cuộc cách mạng, hội
đồng này chỉ họp mặt thêm có đúng một lần duy nhất, không hơn.
Những tuần tiếp đó là khoảng thời gian hỗn loạn khủng khiếp.
Mặc dù cuộc cách mạng tháng Mười Một đã diễn ra khá êm ả, song
đến những tuần đầu tiên của tháng Một, bạo lực bùng phát, Berlin
bị xé nát bởi những cuộc biểu tình, đình công, và đụng độ khốc liệt
trên đường phố giữa các nhóm cách mạng xã hội và quân đội. Dường
như đối với Schacht, cũng như rất nhiều người Đức thời đó, nước
Đức đang đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió của một cuộc chiến vĩ đại