tín. Chỉ đến những giai đoạn cuối của tấn bi kịch, họ mới bắt
đầu được liên lạc qua điện thoại, song cũng gặp không ít khó khăn.
Nhịp độ cuộc sống thời đó cũng rất khác. Chưa có ai bay từ
thành phố này qua thành phố khác. Đó là thời hoàng kim của giao
thông đường biển, một chuyến tàu vượt Đại Tây Dương đi mất năm
ngày, và người ta đi du lịch mang theo cả đầy tớ, cũng như một bộ
cánh dành riêng cho các buổi tiệc tối là yêu cầu bắt buộc trước khi
tham dự bữa ăn. Đó là thời đại mà Benjamin Strong, người đứng đầu
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, có thể biến sang châu Âu
trong suốt bốn tháng ròng mà chẳng khiến mấy người phải nhíu
mày – ông sẽ vượt Đại Tây Dương vào tháng Năm, rồi dành cả mùa
hè đi lại giữa thủ đô các nước châu Âu để hội kiến với các đồng
nghiệp của mình, thỉnh thoảng lại dừng chân ở các khu nghỉ dưỡng
hay suối nước khoáng xinh đẹp để xả hơi, và cuối cùng đến tháng
Chín thì quay về New York.
Họ sống trong lòng một thế giới vừa mang tính quốc tế lại vừa
đậm chất địa phương chủ nghĩa đến kỳ quặc. Đó là một xã hội mà ở
đó, những khuôn mẫu chủng tộc và quốc gia được thừa nhận như
những thực tế thay vì bị coi là định kiến, một thế giới trong đó
Jack Morgan, con trai của ngài Pierpont Morgan oai hùng, có thể từ
chối dự phần vào một khoản vay dành cho nước Đức dựa trên luận
điểm người Đức là “thứ dân hạng hai” hoặc phản đối việc bầu người
Do Thái hoặc người Thiên Chúa giáo vào Ủy ban Giám thị Harvard vì
“một gã Do Thái thì trước nhất là một người Do Thái, thứ nhì mới là
người Mỹ, còn một kẻ theo Thiên Chúa giáo La Mã, tôi e rằng,
thường sắm vai con chiên xong rồi mới sắm đến vai người Mỹ.”
Trên lĩnh vực tài chính, trong suốt quãng thời gian từ cuối thế kỷ
XIX đến đầu thế kỷ XX, dù ở London hay New York, Berlin hay
Paris, đều có một sự phân chia rõ. Một bên là các hãng ngân hàng
của dân Anglo-Saxon: J.P. Morgan, Brown Brothers, Barings; bên kia