Ông rất lấy làm hãnh diện với bức chân dung nói trên và có cái
thú nhắc đi nhắc lại không biết mệt. Ông vui sướng thưởng thức
hình ảnh mà nó gợi lên về một thiên tài tài chính không chịu khuôn
mình theo một phép tắc nào, oai phong làm việc một thân một mình
ở
chính nơi các viên chức ngân hàng lừng lẫy tiếng tăm đã từng thất
bại.
VỚI VON HAVENSTEIN, tin tức về việc bổ nhiệm Schacht là sự
sỉ nhục cuối cùng. Mặc dù trong năm năm vừa qua, chính ông là thủ
phạm gây ra vụ phá giá tiền tệ kinh khủng nhất trong lịch sử loài
người, song ông vẫn một mực chối đây đẩy không chịu thừa nhận
trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng. Ông kêu rằng đó chẳng phải
lỗi tại ông mà là kết quả từ sự quản lý yếu kém của chính phủ và
những đòi hỏi tai quái của quân Đồng minh.
Khi Stresemann lên nắm quyền vào tháng Tám năm 1923, ông
đã cố thuyết phục Von Havenstein tự nguyện ra đi, với phân tích
rằng công chúng đã mất hết niềm tin vào đồng tiền, và để đảo
ngược hậu quả này, đất nước không chỉ cần một phương tiện trao
đổi mới mà còn cần một chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức mới.
Von Havenstein đã từ chối thẳng thừng. Đến tháng Mười Một, điệp
khúc đòi ông ta phải từ chức đã lan ra mọi phe phái trong khắp
chính giới – mọi người đều nhất trí về điểm này, chỉ trừ những
nhân vật yêu nước có tư tưởng cực hữu sâu sắc nhất. Chỉ mới vài
ngày trước đó, các nhà tài phiệt công nghiệp hàng đầu của nước Đức
đã trân trọng tặng cho ông ta cái danh xưng “cha đẻ của lạm phát.”
Song Bộ luật tự quản Ngân hàng Trung ương Đức được thông qua
tháng Bảy năm 1922 – trớ trêu thay, đây lại là sản phẩm từ đòi hỏi của
người Anh, vì họ cho rằng, chỉ khi nào Ngân hàng Trung ương Đức
được hoạt động độc lập với chính phủ, nó mới có khả năng kiềm chế
lạm phát – đã cho vị kiến trúc sư trưởng của thảm họa lạm phát đặc
quyền được tại nhiệm vĩnh viễn.