Trong vài tháng tiếp đó, lời tiên đoán u ám của McKenna tỏ ra
hết sức sai lầm. Có thể nói, những kết quả ban đầu của bước đi
này tương đối lạc quan. Nước Anh, với mức lãi suất cao hơn, đã có
thể thu hút lượng tiền lớn đến mức nguồn tín dụng do Cục Dự trữ
Liên bang và J. P. Morgan hứa cung cấp đã không còn cần thiết
nữa. Kho dự trữ vàng của Anh thực chất đã tăng lên trong suốt năm
1925.
Với Keynes, vay nóng tiền của từ người nước ngoài chỉ là một
cách giúp nước Anh có thêm thời gian mà thôi. Trong loạt bài báo dài
ba kỳ, ban đầu được đăng tải vào cuối tháng Bảy trên tờ Evening
Standard của Beaverbrook, và sau này được xuất bản dưới dạng một
cuốn sách nhỏ với tựa đề Những hậu quả kinh tế của Ngài
Churchill (The Economic Sequences of Mr. Churchill), Keynes nhắc
nhở các độc giả rằng nước Anh sẽ phải “tận dụng khoảng thời gian
nghỉ này để thực thi thứ được gọi một cách hoa mỹ là “những điều
chỉnh căn bản” trong đời sống kinh tế quốc gia. Tại tỷ giá hối
đoái mới này, đồng bảng bị đánh giá cao hơn giá trị thực của nó tới
10%. Để khắc phục tình trạng đó, việc cần làm là cắt giảm lương và
giá trên phạm vi toàn nền kinh tế, kết quả này chỉ có thể đạt được
nhờ viện đến “không một phương thức nào khác ngoài việc tăng tỷ lệ
thất nghiệp một cách có chủ đích” thông qua một chính sách tín
dụng thắt chặt và lãi suất cao. Đối với ông, việc thiết lập một hệ
thống các giới hạn tín dụng trong thời điểm số người thất nghiệp
đã vượt quá ngưỡng một triệu là một hành động quá ư trái khoáy.
“Mục tiêu chính đáng của tiền tệ đắt đỏ là nhằm kiềm chế một
sự phát triển bùng nổ từ trong trứng nước. Bất hạnh thay cho kẻ nào
bị niềm tin che mắt, để rồi dùng nó hòng làm một cuộc suy thoái
thêm phần trầm trọng!”
Mặc dù Keynes không thể cưỡng lại cám dỗ chĩa mũi dùi chỉ trích
cay nghiệt vào Churchill - “vì ông ta không có óc suy xét bản năng