Những hậu quả kinh tế của Ngài Churchill, Keynes kịch liệt lên án
tình trạng bất công xã hội của một chính sách, trong đó các công
nhân mỏ bị bắt phải trở thành “nạn nhân cho một thứ tín điều kinh
tế man rợ.” Họ là những đại diện “bằng xương bằng thịt [của] các
điều chỉnh căn bản được sắp đặt bởi bàn tay của Bộ Tài chính và
Ngân hàng Trung ương Anh quốc hòng thỏa mãn tâm lý nôn nóng
của các bậc cầm cân nảy mực tại thành phố muốn khỏa lấp cái
khoảng cách khiêm tốn giữa 4,40 đô-la và 4,86 đô-la.”
Một cuộc tổng đình công trên phạm vi toàn quốc chỉ bị ngăn chặn
vào phút cuối khi chính phủ đồng ý trợ cấp cho ngành than một
khoản tiền khổng lồ trị giá hơn 100 triệu đô-la. Song đó cũng chỉ là
một giải pháp tạm thời. Đến năm 1926, những nỗ lực nhằm cắt
giảm chi phí đã kích động một cuộc đình công dai dẳng và khốc liệt
trong ngành than, và vào tháng Năm năm 1926, nó lan rộng thành
một cuộc tổng đình công kéo dài tới mười ngày trên khắp đất nước.
Sự kiện này không châm ngòi cho hiện tượng dòng vốn ồ ạt tháo
chạy khỏi nước Anh và một cuộc khủng hoảng trên thị trường ngoại
hối chỉ vì sự sa sút trong vị thế quốc tế của nước Anh đã được che
đậy bởi những luồng vốn đua nhau đổ vào nội địa hòng tận dụng
mức lãi suất cao trên thị trường London và trốn tránh cuộc khủng
hoảng đang leo thang từng ngày tại nước Pháp.
Sự trở lại với vàng hoá ra lại là một sai lầm cực đắt đỏ. Thực tế
là dòng tiền đổ vào do bị hấp dẫn bởi lãi suất cao chỉ có tính chất
đầu cơ - nói cách khác là “nóng” - và không phải là nguồn đầu tư
dài hạn là một mối hiểm họa treo lơ lửng trên đồng tiền của nước
Anh. Chỉ để ngăn chặn luồng tiền này khỏi chảy ngược ra nước
ngoài, lãi suất phải được giữ ở mức cao hơn hẳn so với các nước khác
trong suốt khoảng thời gian còn lại của thập kỷ. Trong hoàn cảnh giá
cả sụt giảm khoảng 5% mỗi năm, gánh nặng của những khoản chi phí
đổ lên những người đi vay không hề nhỏ. Trong khi đó, các ngành