cảm của người Pháp sau quyết định cố thủ với thành phố Paris khi
nó có vẻ như sắp rơi vào tay người Đức. Mối thiện cảm ấy sâu nặng
tới mức ông đã được đề nghị quay lại vị trí đại sứ vào năm 1921. Song
khi báo giới phanh phui ra rằng chính vị đại sứ Mỹ được quần
chúng xiết bao yêu mến đã vớ được một món cực bở nhờ đợt mất
giá của đồng franc, thì tâm lý phẫn nộ lây lan đi rất nhanh.
Lập trường cứng rắn của chính phủ Mỹ, đặc biệt là Quốc hội,
đối với vấn đề thanh toán nợ chiến tranh càng khuấy động
mạnh mẽ nỗi oán hận cay đắng tại nước Pháp. Con số thương vong
của người Pháp trong cuộc chiến tranh cao hơn của Mỹ tới hai mươi
lần. Câu bình luận tai tiếng của Coolidge – “Chẳng phải họ đã thuê
tiền hay sao?” – đã phơi bày một thái độ hoàn toàn vô cảm trước
những hy sinh mất mát về người của Anh và Pháp mà cả châu Âu
đều rùng mình mỗi khi nghĩ tới. Thỏa thuận về món nợ chiến
tranh của Pháp được ký kết bởi Victor Henri Berenger và Andrew
Mellon vào tháng Tư năm 1926 chẳng những không trở thành chiếc
cầu nối khỏa lấp hố sâu ngăn cách kia mà thậm chí còn khơi sâu
thêm nỗi căm giận. Người Mỹ nghĩ rằng mình đã vô cùng hào phóng
khi cắt giảm số nợ tới 60%. Trái lại, người Pháp lại nhìn nhận
quyết định của người Mỹ hòng thu lại một món nợ bằng mọi giá, dù
rằng quá trình thanh toán sẽ phải kéo dài tới sáu mươi hai năm, là
một hành động tham lam không thể tưởng nổi.
Ngày 11 tháng Bảy, trong một cuộc biểu tình gây xúc động sâu
sắc, hai mươi ngàn mutilés – các cựu binh chiến tranh mang
thương tật – người cụt chân thì ngồi xe lăn, người mù thì có y tá dẫn,
tuần hành trong im lặng dọc theo đại lộ Champs-Élysée lên tới Place
d’Iéna nhìn thẳng xuống đại sứ quán Mỹ, tại đây họ đặt một chiếc
vòng nguyệt quế dưới chân bức tượng tạc hình George Washington
trên lưng ngựa.