cũng không dám tùy tiện nói trước.” Với tâm lý thiếu chắc chắn
như vậy, ông đã để bản thân bị thuyết phục rằng Cục Dự trữ Liên
bang không nên cố gắng biến mình thành kẻ nắm toàn quyền
quyết định đâu mới là mức giá cân bằng.
Hơn nữa, kể cả nếu ông đã chắc chắn rằng thị trường đã sa
vào bong bóng đầu cơ, thì ông vẫn đủ tỉnh táo để hiểu rằng FED
còn có trăm công nghìn việc khác phải lo lắng ngoài mức tăng giá
của thị trường. Ông sợ rằng nếu ông đưa thêm một mục tiêu nữa -
ngăn chặn các bong bóng thị trường chứng khoán - vào danh sách,
ông sẽ khiến cả hệ thống quá tải. Khi phác họa một phép loại suy
mở rộng giữa một bên là Cục Dự trữ Liên bang cùng vô vàn mục tiêu
xung đột lẫn nhau cho nền kinh tế và một gia đình nặng gánh với cả
bầy con nheo nhóc, ông ngẫm ngợi, “Liệu chúng ta có phải đứng ra
nhận làm cha mẹ cho mọi động thái phát triển kinh tế của đất nước
hay không? Đó là một công việc quá khó khăn. Chúng ta sẽ có một gia
đình cùng cả lũ con cái lít nhít. Mỗi khi có một đứa mắc lỗi, chúng ta
có thể sẽ phải đét đít cả lũ.” Ông muốn FED tập trung vào công cuộc
bình ổn nền kinh tế nói chung và thật lòng rất do dự không
muốn để các chính sách của nó lại bị chi phối bởi nhu cầu kiểm
soát “những vụ áp phe của bọn con bạc” đang chen vai thích cánh
trong khu trung tâm Manhattan.
Theo quan điểm của Strong, có gì đó trong tính cách Mỹ - suy nghĩ
cởi mở, tâm lý lạc quan thái quá, cái lối đua nhau chạy theo những
trào lưu nhất thời một cách hết sức ngờ nghệch - đã góp phần tạo
ra những giai đoạn bùng nổ hoạt động đầu cơ. “Thật đáng xấu hổ
khi những kế hoạch ưu việt nhất lại bị cản trở bởi một cơn cuồng
đầu cơ,” ông đã giãi bày những suy ngẫm đầy tính triết lý với
Norman khi năm 1925 đã sắp khép lại, “và với tính khí của người
dân nước này thì những tình huống như thế là không thể tránh
khỏi.”