đòi thắt chặt năm 1925. Hóa ra Hoover và Miller đã rung lên một
hồi chuông báo động sai lầm. Chẳng có bong bóng nào cả, đến
mùa xuân năm 1926, giá cổ phiếu trải qua một đợt “xả hơi,” sụt giảm
khoảng 10%, và rồi khôi phục lại đà tăng đều nhưng không ngoạn
mục lắm. Đến giữa năm 1927, chỉ số Dow Jones đứng ở mức 168.
Trong khi đó, lợi nhuận vẫn tăng vùn vụt và hệ số giá - thu nhập
(P/E), một đại lượng đo lường giá trị thị trường, vẫn loanh quanh ở
mức 11, vẫn còn cách xa ngưỡng nguy hiểm là 20, vốn thường được
coi là dấu hiệu của tình trạng định giá quá cao. Bong bóng bất động
sản Florida đã tự vỡ bung, được giúp sức bởi một cơn bão có sức mạnh
hủy diệt kinh hoàng vào năm 1926, và mặc dù bang này đã chịu thiệt
hại không nhỏ, song tác động của nó đối với nền kinh tế quốc gia
hầu như không đáng kể. Trong khi đó, giá cả hàng tiêu dùng vẫn duy
trì ở trạng thái gần như đứng im hoàn toàn.
Khi nhìn lại quá khứ, Strong quả đã hành động đúng khi cự tuyệt
áp lực của Miller và Hoover đòi thắt chặt tín dụng vào cuối năm
1925 và năm 1926. Trong nỗ lực mong cứu đất nước khỏi nguy cơ
đầu cơ thái quá, họ đã rơi vào cái bẫy đầu tiên đối với những quan
chức ngành tài chính phải đối mặt với các thị trường phức tạp - đó là
quá tin tưởng vào phán đoán của chính mình. Miller, nhà kinh tế
học hàn lâm, và Hoover, anh kỹ sư, đều bị cách ly khỏi mọi sự nghi
vấn bởi chính đầu óc thiếu hiểu biết trầm trọng của mình về
phương thức các thị trường vận hành. Vì lòng nhiệt tình muốn phá
vỡ một cái bong bóng không hề tồn tại, suýt nữa họ đã gây tổn hại
cho nền kinh tế mà chẳng đem lại lợi ích gì thiết thực.
Không có cách gì giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thị trường chứng
khoán vào những năm tháng đó bằng cách quay trở lại với câu
chuyện của General Motors. Trong giai đoạn từ năm 1925 đến năm
1927, lợi nhuận của General Motors vọt lên gấp gần hai lần rưỡi.
Với thu nhập tương đương 250 triệu đô-la một năm, nó thâu tóm U.S.