Các thống đốc ngân hàng Trung ương có thể được ví với nhân
vật Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp. Ông bị các thần phạt bắt
phải đẩy một tảng đá khổng lồ ngược lên một con dốc cao, chỉ để
thấy nó lăn xuống đất và rồi phải tiếp tục lặp lại cái nhiệm vụ
khổ sở kia đến muôn kiếp. Những con người gánh vác các ngân
hàng Trung ương dường như cũng phải đương đầu với một số phận
bất hạnh chẳng kém – mặc dù không phải trong muôn kiếp – đó là
phải nhìn những thành tựu của họ thành ra công cốc. Mục tiêu của
họ là một nền kinh tế khỏe mạnh và giá cả ổn định. Tuy nhiên, đó
lại chính là mảnh đất màu mỡ giúp dung dưỡng tâm lý lạc quan thái
quá và các mưu toan đầu cơ cuối cùng sẽ đẩy nền kinh tế vào
trạng thái bất ổn. Tại nước Mỹ trong suốt nửa cuối của thập niên
1920, thế lực gây bất ổn chính là thị trường chứng khoán phát triển
bùng nổ. Tại Đức, nó lại là các khoản vay từ nước ngoài.
Đến đầu năm 1927, nước Đức dường như đã hồi phục hoàn
toàn từ những năm tháng ác mộng của siêu lạm phát. Schacht giờ đã
vững vàng ngự ở vị trí nắm toàn quyền sinh sát tại Ngân hàng
Trung ương Đức. Sau Kế hoạch Dawes, ông đã được bổ nhiệm giữ
chức thống đốc trong nhiệm kỳ bốn năm, và với bộ luật ngân hàng
mới, ông được hưởng quyền bất khả xâm phạm trong phạm vi
nhiệm kỳ của mình và được hoạt động độc lập với chính phủ. Ông đã
củng cố thêm địa vị của mình trong Ngân hàng Trung ương Đức
bằng cách loại bỏ những nhân sự cũ từ thời Von Havenstein, những
người đã phản đối quyết định bổ nhiệm ông, và đưa người của mình
vào thế chỗ. Thêm nữa, mặc dù một Hội đồng toàn thể bao gồm
sáu viên chức ngành ngân hàng người Đức và bảy người nước ngoài
nữa chịu trách nhiệm giám sát ông, song hội đồng này chỉ họp một
lần mỗi quý, nhờ đó ông được thỏa sức hành động mà không gặp
bất kỳ một trở ngại nào. Một chính trị gia cấp cao người Đức thời đó
khi nhớ lại đã nhận xét rằng, ông vận dụng “thủ thuật tham vấn ý