kiến của tất cả mọi người và rồi thực hiện chính xác những gì mình
muốn.”
Do bản chất của vị trí ông nắm giữ cũng như tính cách của ông,
Schacht chi phối hầu hết các cuộc thảo luận xoay quanh chính
sách kinh tế bên trong nước Đức. Nhà kinh tế học có tư tưởng tự do
Moritz Bonn, một cố vấn của Ngân hàng Trung ương Đức, đã viết
về Schacht trong những năm tháng đó như sau, “Ông coi thế giới
như là giang sơn của riêng Hjalmar Schacht, và vô cùng nhạy cảm
trước mọi sự chỉ trích công khai. Đã từng va chạm với rất nhiều cá
tính mạnh mẽ và tham vọng trong ngành ngân hàng Đức cũng như
thế giới doanh thương, ông ôm ấp nỗi oán hờn đối với các đồng
nghiệp đã có lúc vượt mặt mình. Một khi leo lên được vị trí thống
lĩnh ngân hàng Trung ương, ông tỏ ra vô cùng hãnh diện vì được là
sếp của bọn họ.”
Trong mắt công chúng, Schacht vẫn là “Thầy phù thủy,” là người
đã cứu vớt đồng mark. Cuộc viếng thăm của Strong và Norman
hồi tháng Sáu năm 1925, chuyến đi của riêng ông sang Mỹ vào mùa
thu năm đó, và việc ông được thâu nạp vào bộ ba quyền lực bao
gồm các thống đốc ngân hàng Trung ương mạnh nhất giữ trọng
trách điều hành nền tài chính của toàn thế giới đã đưa uy tín của
ông lên cao. Trong vòng ba năm kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, ông đã
xây dựng một mối giao tình sâu sắc với Norman – họ gặp nhau
năm lần vào năm 1924, ba lần vào năm 1925, và bốn lần vào năm
1926. Norman thừa nhận rằng Schacht là kiểu người khó làm việc
cùng, rằng một trong những nét lập dị của ông ta chính là lòng đam
mê danh tiếng và thói quen phát biểu quá nhiều. Song ông cũng
từng nói “bàn về tài chính với Schacht quả là một niềm vui tuyệt
vời.” Lòng ngưỡng mộ ông dành cho ông bạn người Đức lớn lao đến
mức ngài Robert Vansittart, về sau là trưởng ban ngoại giao Anh, đã