Bất chấp sự công kích từ phía Hoover và Miller vào cuối năm
1925, Strong kết luận rằng trong hoàn cảnh chưa có bất kỳ một
dấu hiệu nào của lạm phát nội địa manh nha, đồng bảng lại mới trở
lại với vàng và tình hình tiền tệ châu Âu vẫn còn đang rất mong
manh, thì đây chưa phải thời điểm thích hợp để thắt chặt tín dụng.
Tạm thời ông cứ lờ thị trường chứng khoán.
Kể cả khi đã đồng tâm hiệp lực với nhau thì Hoover và Miller vẫn
chẳng thể làm gì để thúc ông động tay động chân. Với tư cách là Bộ
trưởng Thương mại, Hoover không có quyền hành gì để can thiệp
vào những quyết sách của một cơ quan độc lập như FED. Miller lại
không có mấy tiếng nói trong Hội đồng. Và mặc dù hai người bọn
họ đã ra sức vận động các đồng minh khác trong Quốc hội nhằm
thay đổi chính sách của FED, song các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ lại
hiếm khi được thông tin đầy đủ để có thể bị thuyết phục đi theo
con đường ủng hộ những thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Strong còn có một lợi thế to lớn khác, đó là hiến chương của
FED vốn có tính thụ động cố hữu. Dưới các điều luật đương thời,
chỉ có các ngân hàng dự trữ mới được quyền khởi xướng các thay đổi
trong chính sách. Mặc dù Hội đồng có quyền chấp thuận hoặc phủ
quyết những thay đổi đó, song nó không thể ép các ngân hàng dự trữ
phải hành động. Đó là công thức cho kiểu bắt bí tệ hại nhất. Các
biện pháp kiểm soát và đối trọng quyền lực lẫn nhau có thể vận
hành hiệu quả trong lĩnh vực chính trị, song nó lại là một thảm họa
đối với bất kỳ một tổ chức nào - quân đội là một ví dụ, các ngân
hàng Trung ương là một ví dụ khác - đòi hỏi phải hành động nhanh và
dứt khoát. Song vào năm 1925 và 1926, mặc kệ Hoover và Miller đòi
thắt chặt chính sách tín dụng, Strong vẫn có thể núp sau hiến
chương của FED và thản nhiên chẳng làm gì cả.
Không gì có thể minh họa tình thế tiến thoái lưỡng nan mà thị
trường chứng khoán đặt ra đối với chính sách tiền tệ bằng sức ép