Kế hoạch Dawes đã là một thành công rực rỡ. Thực chất nó đã
vận hành hầu như quá hiệu quả. Giới ngân hàng Mỹ cảm thấy vững
dạ với niềm tin rằng mình sẽ được thanh toán trước cả tiền bồi
thường chiến phí mà nước Đức còn nợ Pháp và Anh, đã hồ hởi đua
nhau cho nước Đức vay tiền. Trong vòng hai năm kể từ khi kế
hoạch ra đời, 1,5 tỷ đô-la đã chảy vào nước này, giúp nước Đức có đủ
500 triệu đô-la để trả cho các khoản bồi thường chiến phí đã đến
hạn mà vẫn còn dôi ra một lượng lớn ngoại tệ dưới dạng tiền mặt.
Một phần của số tiền này được dùng vào việc tài trợ cho công cuộc
tái thiết công nghiệp; song phần rất lớn lại rơi vào tay các bang,
các thành phố, và các vùng tự trị mới được trao quyền của chế độ
dân chủ mới hình thành để xây dựng bể bơi, rạp hát, sân vận động, và
thậm chí là nhà hát opera. Tâm lý sốt sắng của giới ngân hàng nước
ngoài muốn mang kho tiền của mình đi phục vụ hoạt động cho vay
đã dẫn đến vô số khoản đầu tư rất thiếu thận trọng và gây lãng
phí vô cùng - chẳng hạn, một thị trấn nhỏ ở Bavaria đã quyết định
chỉ vay 125.000 đô-la song lại bị các ngân hàng đầu tư thuyết phục
để tăng con số này lên tới 3 triệu đô-la.
Khi ngoại tệ ồ ạt đổ vào với số lượng lớn như vậy, kim ngạch
nhập khẩu cũng phình lên nhanh chóng và áp lực đặt lên chính phủ
nhằm nới lỏng chính sách cần kiệm của năm 1924 và 1925 trở
thành bất khả kháng. Đến năm 1926, chính bản thân chính phủ
Đức đã lại sa vào tình trạng thâm hụt. Tuy nhiên, mức thâm hụt vẫn
còn rất khiêm tốn - chỉ là 200 triệu đô-la, hoặc tương đương với
chưa đến 1,5% GDP - nếu đem so với những con số khổng lồ vào
giai đoạn siêu lạm phát - và lại được tài trợ bởi lượng tiền mặt dồi
dào từ nước ngoài, do đó đã không dẫn đến lạm phát.
Xét trên mọi phương diện, Schacht, với tư cách là một trong những
kiến trúc sư của phép màu kinh tế đích thực này, lẽ ra phải là một
người rất hạnh phúc. Thay vào đó, ông vẫn không nguôi bị ám ảnh