với các thành viên khác của hãng khiến ông không còn sự lựa chọn
nào khác ngoài việc cắt đứt những mối quan hệ này.
Norman quay về Gloucestershire vào buổi sáng thứ Tư, ngày 29
tháng Bảy, thì nhận được một bức điện khẩn gọi ông quay về London
gấp. Ông bắt chuyến xe lửa cùng ngày, lúc đến nơi thì trời đã tối
mịt, quá muộn để tham dự cuộc họp điên rồ của “triều đình” – Ban
Giám đốc ‒ Ngân hàng Trung ương Anh quốc. Norman đã là thành
viên của câu lạc bộ độc nhất vô nhị này từ năm 1905.
Dù đã bốn mươi ba tuổi, Norman vẫn chưa lập gia đình và sống
một mình trong căn nhà hai tầng rộng lớn sang trọng, Thorpe
Lodge, toạ lạc ngay cạnh công viên Holland, phía tây London. Ngôi
nhà này cùng bảy gia nhân là hai món tài sản xa xỉ nhất của
Norman. Khi ông mua lại căn nhà này vào năm 1905, nó là một ngôi
nhà rách nát thê thảm; trong bảy năm tiếp đó, ông đã cống hiến
hết tâm sức của mình để cải tạo hoàn toàn công trình này. Ông tự tay
thiết kế phần lớn nội thất căn nhà, bao gồm cả đồ đạc kê đặt
trong đó. Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những lý tưởng của William
Morris và trào lưu thủ công mỹ nghệ thời bấy giờ, ông đã thuê
những thợ thủ công tài khéo bậc nhất và đặt mua những vật liệu đắt
tiền nhất, thậm chí thỉnh thoảng trên đường từ thành phố trở về
nhà, ông còn tạt qua xưởng mộc để chỉ đạo thợ thuyền làm việc.
Phải nói là, thị hiếu của Norman trong chuyện trang hoàng nhà
cửa khá cá tính, thậm chí có phần kỳ quặc. Ngôi nhà được ốp bằng
những loại gỗ lạ nhập từ châu Phi và châu Mỹ, khiến cả toà nhà
mang một bầu không khí khổ hạnh và u ám tựa như tu viện của một
nhà triệu phú. Trong nhà có rất ít chi tiết trang trí: vòm cửa dẫn
vào nhà được ốp gạch lấp lánh, trông như khảm xà cừ song thực ra
chỉ là một loại silicone công nghiệp; hai tấm thảm thêu lớn của Nhật
thêu hình những con công treo trên tường; và một chiếc lò sưởi
khổng lồ xây theo kiểu Italia hồi thế kỷ XVII. Đó là chốn ẩn náu