1920, thú vui giải trí này gần như đã chiếm trọn cả thời gian và
công sức của ông, còn với vai trò Bộ trưởng Tài chính thì ông lại tỏ ra
rất thờ ơ. Một ví dụ điển hình cho thấy điều đó là khi ông tình cờ
xuất hiện ở Paris giữa cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước Pháp vào
tháng Chín năm 1926, ông đã tiếp chuyện Émile Monreau, người lúc
đó đang hết sức tuyệt vọng nhưng cũng không thể không nhận thấy
rằng Mellon hình như rất buồn chán trong suốt cuộc trò chuyện
và chỉ tỏ ra có một chút sôi nổi trước tác phẩm của Fragonard treo
trên tường trong văn phòng.
Mellon thậm chí còn bị cho là đã đẩy thị trường lên cao hơn mức
trông đợi của nhà đầu tư để tư lợi. Điều này thật ra không đúng.
Một cách cá nhân, ông vẫn thừa nhận rằng thị trường đang ở tình
trạng bong bóng. Song trong khi quan sát các đồng nghiệp, kinh
nghiệm của một trong những chuyên gia tài chính hàng đầu đất
nước mách bảo ông rằng Hội đồng Thống đốc hay bất kỳ ai khác
cũng không thể can thiệp gì nhiều. “Chỉ sau khi người Mỹ thay đổi
suy nghĩ của mình, cơn bão đầu cơ này mới có thể kết thúc, không
thể sớm hơn.” Đinh ninh rằng cố gắng hạ nhiệt thị trường là
nhiệm vụ bất khả thi, và rằng nếu cứ cố làm việc đó để rồi thất
bại thì chính mình cũng sẽ trở thành kẻ ngốc, ông ta đợi sự cuồng
loạn đó tự thiêu cháy chính nó và cố phát biểu trước công luận càng
ít càng tốt. Tháng Ba năm 1929, ông tuyên bố rằng ông nghĩ đây
là thời điểm tốt để các nhà đầu tư mua trái phiếu, nhưng lời phát
biểu quá rụt rè đã khiến số ít người quan tâm chế giễu Mellon
rằng “các quý ông thường ưa thích trái phiếu hơn”.
Những quý ông nóng tính tại Quốc hội thì lại không kín đáo đến
thế. Vào tháng Hai và Ba năm 1928, Ủy ban Tiền tệ và Ngân hàng
Thượng viện họp để nghe giải trình về nợ của các nhà môi giới chứng
khoán, và từ tháng Ba đến tháng Năm, Thượng viện cũng mở cuộc
điều tra riêng về đầu cơ chứng khoán – một việc làm vừa đáng