quy trình ra quyết định, mà theo như ông ta nói là “gây dựng lại uy
tín cho Hội đồng Thống đốc trong hệ thống.”
Phần đông các thành viên trong Hội đồng Thống đốc ở
Washington, trong đó có Young, Miller và Hamlin, những người đã
từng ủng hộ mạnh mẽ việc tăng lãi suất để kiềm chế đầu cơ trên
thị trường khi giá đang lên, giờ đây lại thay đổi quan điểm. Sợ rằng
tăng giá vốn trong giai đoạn này sẽ làm ảnh hưởng xấu tới nền
kinh tế trong khi không thể kiểm soát tình hình trên Phố Wall, họ
bắt đầu gây sức ép đòi có những “biện pháp trực tiếp” ngăn chặn
các nhà đầu cơ.
Đến đầu năm 1929, bong bóng trên thị trường chứng khoán đã
trở thành mối lo ngại không chỉ của Cục Dự trữ liên bang mà còn của
hầu hết các ngân hàng Trung ương ở châu Âu. New York đang thu
hút lượng vốn lớn từ nước ngoài vào thời điểm mà châu Âu vẫn còn
tương đối độc lập với các nguồn tài chính từ Mỹ. Mắt xích yếu
nhất chỉ là Đức và một số nước Trung Âu khác. Tuy nhiên, việc
dòng vốn không ngừng chảy vào nước Mỹ khiến cho lượng vàng của
Ngân hàng Anh liên tục sụt giảm. Trong khi đầu năm 1928, nó vẫn
nắm giữ khoảng 830 triệu đô-la vàng dự trữ, mức cao nhất kể từ
sau chiến tranh thì đến đầu năm 1929, con số này đã xuống
dưới mức 700 triệu và vẫn đang tiếp tục giảm nữa. Trước kia, khi có
căng thẳng trong vấn đề dự trữ vàng, phản ứng đầu tiên của
Norman thường là thúc ép bạn mình, Strong, nới lỏng các chính sách
của FED. Giờ đây, nhận thức rõ rằng với một Phố Wall đang cuồn
cuộn sóng, sẽ chẳng ai dám đùa với nó, ông đã nghĩ đến một chiến
lược hoàn toàn khác.
Ông đến New York vào ngày 27 tháng Một, mang theo một đề
xuất mới. Tiếp chuyện Harrison tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang
New York, Norman làm tất cả mọi người ngạc nhiên khi lập luận ủng
hộ tăng mạnh lãi suất tại Mỹ, có thể tới 1% , thậm chí là 2% , đưa