Ngày 5 tháng Hai, Harrison, được củng cố lòng tin sau cuộc nói
chuyện với Norman, đã đến Washington và đề xuất y nguyên
chiến lược của Norman với Young. Ông gạt bỏ quan điểm mà người
tiền nhiệm Strong đã theo đuổi suốt những ngày tháng cuối đời –
rằng FED nên đứng ngoài cuộc và “để tình hình diễn tiến cho đến
khi mọi thứ tự nó trở lại ổn thỏa”. Thay vào đó, ông đề nghị những
“hành động trực tiếp và mạnh mẽ”, tăng lãi suất lên 1%. Ông đi
đến kết luận sau đó rằng nên “để thị trường chứng khoán lao đầu
xuống từ độ cao của tòa nhà mười tầng còn hơn là để sau đó nó làm
thế từ tòa nhà hai mươi tầng.” Một khi cơn sốt đầu cơ đã tan
biến, lãi suất sẽ trở lại như cũ. Ngày hôm sau, Norman cũng có mặt
tại Washington, mang theo thông điệp tương tự. Các thành viên của
Hội đồng đều không thể không nhận thấy sức ảnh hưởng tai hại
của Norman đã bao trùm lên Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York
như thế nào, đầu tiên là thông qua Strong, và giờ đây là Harrison.
Một quan chức sau này đã bình luận rằng Harrison “chỉ là cái bóng
của Norman”.
Trong khi Harrison và Norman đang chiến đấu hòng tăng lãi
suất, Hội đồng vẫn tiếp tục chiến dịch nhằm vào việc áp dụng
các biện pháp trực tiếp. Ngày 2 tháng Hai, họ đưa ra chỉ thị tới tất
cả các ngân hàng thành viên, khuyến cáo rằng những ngân hàng
này không được mượn tiền từ FED “cho mục đích cho vay hay duy trì
các khoản vay để đầu cơ vào thị trường chứng khoán”. Bốn ngày
sau, chỉ thị được công khai. Chỉ số Dow hạ xuống 20 điểm trong
vòng ba ngày tiếp đó, nhưng rồi lại nhanh chóng hồi phục và đến
cuối tuần lại quay trở về mức cũ. Phản ứng của thị trường được
tóm tắt hết sức thành công trong một bài báo trên tờ Hearst: “Nếu
mua và bán cổ phiếu là sai trái thì Chính phủ nên đóng cửa thị
trường chứng khoán. Còn nếu không thì Cục Dự trữ Liên bang đừng
có nhúng mũi vào.”