Norman trở về vào khoảng giữa tháng Hai, bị tác động mạnh bởi
chuyến đi. Trước đây, trong những chuyến viếng thăm nước Mỹ,
ông luôn cảm thấy dễ chịu bởi tình bạn thân thiết và những quan
điểm tương đồng của Strong. Còn lần này, ông trở về Anh trong
tâm trạng vẫn lo lắng bất an hệt như lúc ra đi. Ông kể lại với một
người đồng nghiệp: “Đó là thời kỳ khó khăn nhất của nước Mỹ mà
ông từng chứng kiến”. Ông nhận thấy giới lãnh đạo ngân hàng
Trung ương ở đó chẳng làm được gì bởi tính do dự; “chẳng ai nói được
ai”; trong nội bộ Cục Dự trữ Liên bang, tất cả “đều chống đối lẫn
nhau, thụ động và chẳng biết cần phải làm gì.” Trong một lá thư gửi
tới vài vị chủ tịch các ngân hàng Trung ương châu Âu, ông viết rằng
ông đến Mỹ với hy vọng có được chút hiểu biết rõ ràng hơn về
những gì đang diễn ra ở đó, thế mà đổi lại ông chỉ càng cảm thấy
mù mờ hơn mà thôi.
Cùng lúc đó, ở Mỹ, cuộc chiến giữa Hội đồng Thống đốc và
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York vẫn đang rất căng thẳng.
Ngày 2 tháng Hai, các giám đốc của Ngân hàng Dự trữ Liên bang
New York thống nhất đề nghị tăng lãi suất thêm 1%, lên mức 6%.
Harrison gọi điện đến Washington cho Young để thông báo về
quyết định trên, nhưng cũng thừa nhận rằng Hội đồng có thể bác
bỏ nó. Young đề nghị có chút thời gian xem xét đề nghị, nhưng
Harrison lại khăng khăng đòi một câu trả dứt khoát ngay trong ngày
hôm đó. Sau ba tiếng đồng hồ điện thoại qua lại mà Young vẫn
không thể thuyết phục được Harrison ngừng thúc ép việc đưa ra
quyết định cuối cùng ngay lập tức, Young đã gọi và trả lời rằng Hội
đồng đã bỏ phiếu không cho phép tăng lãi suất. Suốt ba tháng
sau đó, các giám đốc ở New York đã bỏ phiếu cả chục lần đòi tăng
lãi suất nhưng tất cả đều bị Hội đồng ở Trung ương bác bỏ.
Cục Dự trữ Liên bang giờ đây chẳng làm được gì bởi sự khác biệt
quá lớn trong quan điểm của hai tổ chức cùng là cánh tay phải của