mới có thể trở lại làm việc toàn thời gian tại Brown Shipley, trong
vòng sáu năm kế tiếp, ông là một trong bốn hội viên chủ chốt của
hãng - đó là quãng thời gian đặc biệt mệt mỏi đối với ông, luôn luôn
chán nản vì những bất đồng không bao giờ dứt với các đồng
nghiệp về chiến lược kinh doanh.
Nhưng chính đời tư mới là nhân tố có ảnh hưởng nặng nề nhất
tới Norman. Vào năm 1906, lễ đính hôn thất bại đẩy ông vào cơn suy
nhược thần kinh đầu tiên. Sau đó, ở ông xuất hiện các dấu hiệu
kinh điển của chứng rối loạn lưỡng cực: những giai đoạn hưng phấn
nối tiếp bằng trạng thái bi quan trầm uất nặng nề. Thường
ngày Norman vốn là một người bạn hữu hòa nhã bậc nhất, song tới
khi bị dày vò bởi những cảm xúc u ám, mà thường tình trạng này kéo
dài hàng tuần lễ, ông trở nên vô cùng cáu kỉnh, luôn đắm mình
trong âu lo và sẵn sàng trút lên đầu mọi người xung quanh. Sau năm
1909, các đợt hưng phấn - trầm cảm này càng biến chứng tồi tệ
hơn cho đến tháng Chín năm 1911, ông quỵ ngã. Được các bác sĩ
khuyên nên nghỉ ngơi hoàn toàn, trong ba năm tiếp đó ông chỉ làm
việc cầm chừng, và dần dần lui vào sống ẩn dật. Ông đi du lịch
tối ngày, dường như đang cố gắng kiếm tìm điều gì đó. Ông
dành hẳn ba tháng đi xuyên Ai Cập và Sudan từ tháng Mười Hai năm
1911, một năm sau, ông lại lên đường sang Tây Ấn và Nam Mỹ.
Tại Panama, một giám đốc ngân hàng ông quen gợi ý ông nên
đến khám ở chỗ bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ Carl Jung. Norman
lập tức quay về châu Âu và sắp xếp một cuộc hẹn ở Zurich. Vào
tháng Tư năm 1913, sau khi mất vài ngày thực hiện nhiều xét
nghiệm khác nhau, bao gồm xét nghiệm máu và dịch tủy, vị bác sĩ
tâm thần trẻ tuổi mới nổi danh thông báo với Norman rằng ông
đang mắc chứng liệt toàn thể tuần tiến (general paralysis of the
insane - GPI), thời ấy người ta dùng thuật ngữ này để mô tả những
biến chứng về thần kinh xuất hiện ở giai đoạn tiến triển thứ ba