France, một vài ngày sau đó M.J Meehan & Co. cũng theo bước và mở
dịch vụ tương tự trên tàu Berengaria và Leviathan.
Thậm chí cả châu Âu cũng đang bị cuốn vào sự điên cuồng này.
Viscount Rothermere than thở trong một bài báo của mình trên tờ
Sunday Pictorial: “Hàng ngày có vài nghìn cổ phiếu Mỹ được mua
tại London, còn Paris, Berlin và Amsterdam cũng đang đổ tiền vào
New York với tốc độ chóng mặt”. “Phố Wall đã trở thành cái máy
hút tiền khổng lồ, làm khô hạn hết nguồn vốn ở khắp nơi trên
thế giới và tạo ra những khoảng trống lớn. Bởi vậy mà lãi suất
ngân hàng khắp châu Âu đều tăng cao. Nó là lý do sự sụt giảm vàng
đều đặn của Ngân hàng Anh. Nó giải thích những chuyến viếng
thăm thường xuyên của vị thống đốc ngân hàng Montagu Norman
đến New York và Washington”.
Vào tháng Bảy, Norman thực hiện chuyến thăm thứ hai của mình
tới Mỹ. Ông đã dành phần lớn thời gian của kỳ nghỉ phép mấy
tuần với người bạn cũ, bà Markoe tại Cảng Bar ở Maine nhưng đồng
thời cũng đi gặp Harrison ở New York. Ông trở về thậm chí còn bi
quan hơn chuyến đi vào tháng Hai. Giờ đây ông đã hoàn toàn bị
thuyết phục rằng một cơn chấn động trên thị trường chứng khoán
Mỹ là không thể tránh khỏi. Không ai có thể chắc chắn được điều
gì có thể ngăn chặn được nó hay nó sẽ xấu đến mức nào. Bong bóng
chứng khoán càng kéo dài lâu thì sự đổ vỡ sẽ càng không thể tránh
khỏi. Và mặc dù cuối cùng FED cũng hành động nhưng họ đã để mọi
thứ trở thành quá muộn trong khi nội bộ vẫn chia rẽ sâu sắc.
Suốt mùa hè năm 1929, dự trữ vàng của nước Anh bị rò rỉ không
ngừng. Đến cuối tháng Bảy, Ngân hàng Anh đã mất gần 100 triệu
đô-la trong số 800 triệu đô-la dự trữ vàng và đến tháng Tám và
Chín, họ mất tiếp 45 triệu đô-la nữa, phần lớn là chảy vào kho của
Mỹ. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ngân hàng Pháp đã bắt
đầu chuyển đổi đồng bảng Anh mà họ đang nắm giữ thành vàng.