đến cuộc xung đột tại châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Anh David Lloyd
George về sau đã thuật lại chuyện Walter Cunliffe, thống đốc
Ngân hàng Trung ương Anh quốc, một người vốn kiệm lời và hiếm
khi bộc lộ cảm xúc thái quá, cũng phải tha thiết cầu xin “với đôi
mắt đẫm lệ: ‘Xin hãy giữ đất nước tránh xa khỏi cuộc chiến này.
Chúng ta sẽ chịu tổn hại thê thảm nếu bị lôi vào cuộc.’”
London là thủ đô tài chính của cả thế giới, và sự sống còn của
thành phố phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài chính nước ngoài hơn
là từ hoạt động cung cấp nguồn vốn cho các ngành công nghiệp
nội địa. Các ngân hàng thương nhân hầu hết đều đóng trụ sở ở
những tòa nhà quây quần xung quanh Ngân hàng Trung ương Anh
quốc, những cái tên là tinh hoa của giới tài chính – Rothschilds,
Barings, Morgan Grenfell, Lazards, Hambros, Schroders, Kleinworts,
và Brown Shipley – mang lại bầu không khí thần thánh cho thành
phố London; họ nắm trong tay trọng trách giám sát guồng máy
vay nợ quốc tế lớn nhất mà lịch sử thế giới từng được chứng
kiến. Hàng năm một tỷ đô-la trái phiếu nước ngoài được phát hành
thông qua các ngân hàng ở London. Riêng trong năm vừa qua, hãng
Barings và Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải đã phối hợp để cung
cấp một khoản vay trị giá 125 triệu đô-la cho Trung Quốc;
Hambros đã đưa khoản vay cho Vương quốc Đan Mạch ra thị trường,
Rothschilds cam kết bao tiêu số trái phiếu trị giá 50 triệu đô-la
của Brazil và đang trong giai đoạn đàm phán để cung cấp một khoản
nợ nữa; còn có các đợt phát hành trái phiếu khác cho Rumania và
các thành phố Stockholm, Montreal, và Vancouver. Vào tháng Tư,
Schroders thậm chí còn đứng ra phát hành 80 triệu đô-la trái phiếu
cho chính phủ đế quốc Áo, đất nước sẽ sớm trở thành lực lượng
đối địch với nước Anh trong chiến tranh. Tất cả những hoạt động
vay nợ nói trên và những món lợi nhuận đi kèm với nó sẽ tiêu pha
hết một khi chiến tranh nổ ra.