đó đã kết thúc. Kinh doanh lại trở về ngôi nhà của nó với những
hoạt động bình thường, không bị tổn thương gì nhiều, vẫn còn rất
sung sức, thậm chí còn khỏe mạnh hơn bao giờ hết.”
Thế nhưng tất cả vẫn nhất quán cho rằng sự đổ vỡ sẽ gây ra
một sự suy thoái nhỏ không đáng kể cho hoạt động kinh doanh, đặc
biệt là các hàng hóa xa xỉ. B. C. Forbes, người sáng lập tạp chí Forbes,
nghĩ rằng “chính lợi nhuận trên thị trường chứng khoán đã khuyến
khích người ta mua tất cả các loại tiện nghi và hàng hóa xa xỉ, vậy
nên sự thua lỗ của nó tất yếu sẽ dẫn đến những hệ quả ngược lại.”
Tác động tức thời của nó lên nước Mỹ thực tế lớn hơn nhiều
những gì mọi người trông đợi. Sản xuất công nghiệp giảm 5% vào
tháng Mười và 5% nữa vào tháng Mười Một. Thất nghiệp, đã đạt con
số 1,5 triệu người trong suốt mùa hè 1929, tương đương 3% lực
lượng lao động, vọt lên gần 3 triệu người vào mùa xuân 1930. Cả
nước Mỹ đã để quá nhiều tâm sức vào Phố Wall đến nỗi những tác
động tâm lý do sự đổ vỡ của nó gây nên hóa ra lại vô cùng sâu sắc,
đặc biệt là với nhu cầu tiêu dùng những hàng hóa xa xỉ: ô tô, radio,
tủ lạnh và những hàng hóa khác đã từng là trung tâm của sự bùng nổ.
Đăng ký xe trên khắp cả nước giảm xuống 25% và người ta đồn
rằng doanh thu từ radio đã giảm xuống một nửa.
Biên tập tờ The Economist, Francis Hirst, người đã phát ốm
trong chuyến đi Mỹ và đang phải dưỡng bệnh tại một thành phố
bên bờ Đại Tây Dương đã ghi lại bầu không khí ở đó “Những người
giàu chưa kịp bán cổ phiếu cảm thấy mình nghèo đi rất nhiều…
Hậu quả là sự giảm sút nặng nề các hoạt động mua sắm xa xỉ và sự
bán ra với số lượng lớn những thứ hàng hóa xa xỉ đã qua sử dụng
như ô tô và áo lông thú với giá rẻ bất ngờ. Những khu nghỉ dưỡng
cao cấp phải chịu ảnh hưởng lớn nhất… một số lượng lớn nhân
viên phục vụ bao gồm cả bồi bàn và tài xế lái xe bị sa thải hàng
loạt.”