Ngay sau cơn hoảng loạn, tổng thống Hoover, người rất ưa thích
các trường hợp khẩn cấp, đã bắt tay vào hành động. Ông là một
trong những tổng thống làm việc chăm chỉ nhất trong lịch sử, có
mặt tại bàn làm việc từ 8:30 sáng và vẫn nán lại đến rạng sáng ngày
hôm sau. Trong vòng một tháng, chính quyền của ông đã thúc đẩy
mở rộng xây dựng các công trình công cộng và đưa đề nghị lên
Quốc hội giảm 1,0% thuế thu nhập. Tuy nhiên, chính phủ Liên
bang vẫn còn nhỏ bé – tổng chi tiêu chỉ có 2,5 tỷ đô-la, tương đương
2,5% GDP – và hiệu quả của những biện pháp tài chính này chỉ
nhằm bơm vài triệu đô-la, ít hơn một nửa của 1,0% GDP, vào nền
kinh tế.
Hoover do vậy buộc mình phải đóng vai trò người lạc quan đi
đầu. Không may thay, đó không phải vai diễn phù hợp dành cho
ông. Nhút nhát, cứng nhắc và hay do dự, ông không được thoải mái
cho lắm trước mọi người và bị vây quanh bởi toàn những kẻ ba phải.
Theo William Allen White, “ông lúc nào cũng ủ dột, một người bi
quan bẩm sinh luôn nhìn thấy mặt u ám của mọi tình huống.” Theo
tạp chí Nation thì do không thể truyền niềm tin hay sự lạc quan
đến mọi người, ông đành cố gợi lên sự thịnh vượng giàu có bằng
cách viện dẫn để chứng minh rằng mọi thứ đang trở nên tốt đẹp
hơn.
Ngày 14 tháng Mười Hai năm 1929, chỉ sáu tuần sau sự đổ vỡ của
thị trường, ông tuyên bố rằng doanh số hoàng hóa mua sắm cho
thấy cả nước đang “trở lại bình thường.” Ngày 7 tháng Ba năm 1930,
ông dự đoán rằng những hậu quả tồi tệ nhất sẽ kết thúc “trong
vòng sáu mươi ngày tới.” Sáu mươi ngày sau ông tuyên bố rằng
“chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.”
Ở
một mức độ nào đó, ông đã rơi vào bi kịch mà tất cả những nhà
lãnh đạo chính trị phải đối mặt khi họ phát biểu về tình hình kinh
tế. Những gì họ nói sẽ có tác động đến nền kinh tế - tương tự như