thốt lên rằng gặp ông ấy trong văn phòng “giống như là ngồi
trong một vũng mực.”
Trong khi đó, suốt ba tuần đầu tháng Sáu, Đức mất khoảng
350 triệu đô-la, hơn một nửa số vàng dự trữ. Ở London, Norman
phải nịnh nọt các chủ ngân hàng Anh không rút tiền khỏi Đức vì
khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng đã lan ra khắp châu Âu, tới cả
Hungary, Romania, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Thứ Bảy ngày 20 tháng Sáu, kế hoạch của Hoover được công bố
công khai. Nước Mỹ sẽ xóa bỏ các khoản gốc và lãi trị giá khoảng 245
triệu đô-la liên quan đến nợ chiến tranh của Anh, Pháp, Ý và một
số nước châu Âu nhỏ khác khi và chỉ khi khối Đồng minh cho tạm
hoãn việc Đức phải trả cho họ 385 triệu đô-la nợ chiến tranh. Tác
động của nó lan nhanh như điện. Thứ Hai tuần tiếp theo, thị trường
chứng khoán Đức tăng vọt 25% trong vòng một ngày.
Hoover đã phải nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của những quan chức
hàng đầu trước khi đưa ra tuyên bố của mình – người ta đồn rằng
ông đã có được sự ủng hộ của hai mốt thượng nghị sĩ trước khi công
bố bản kế hoạch trước công chúng. Thượng nghị sĩ Arthur
Vandenberg của bang Michigan, đang đi nghỉ tại Canada đã được
nối điện thoại nói chuyện với tổng thống từ một hiệu thuốc ở
Toronto. Một vài thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ khác thậm chí đã được
mời đến nghỉ đêm tại Nhà trắng. Bộ trưởng Ngoại giao có khi phải
thức dậy vào lúc 5:30 sáng để gọi điện cho thủ tướng Anh MacDonald.
Toàn bộ chính quyền Hoover đã tham khảo ý kiến của tất cả mọi
người – tất cả, chỉ trừ có người Pháp. Đó là điều ngạc nhiên ngớ
ngẩn nhất trong hoạt động ngoại giao suốt nhiệm kỳ tổng thống
của Hoover bởi quốc gia mà ông lờ đi không tham vấn trước hóa ra
không chỉ là chủ nợ lớn nhất của Đức mà còn là thế lực tài chính
chủ chốt lúc bấy giờ ở châu Âu. Chính phủ Pháp phản ứng trước
hết bằng sự ngạc nhiên và sau đó là giận dữ. Đại sứ Mỹ tại Paris là