Mặc dù báo chí vẫn nói rằng đó là sự kết thúc của một thời đại,
với những người Anh bình thường thì sau vài ngày hoảng sợ dường
như chẳng có chuyện gì xảy ra. Không có sự rút tiền hàng loạt khỏi
nhà băng nào, không có sự thiếu thốn thực phẩm, không có cảnh đổ
xô đến các cửa hàng, không có sự tích trữ hàng hóa. Thực tế là
trong khi giá bán buôn trên thế giới tiếp tục giảm gần 10% trong
năm tiếp đó, ở Anh hiện tượng giảm phát đã dừng lại – giá cả trong
năm tiếp theo thậm chí còn tăng một cách khiêm tốn khoảng 2%.
Những người bị cú sốc lớn là số ít những người Anh đang đi du
lịch nước ngoài. Tạp chí Time mô tả lại một người đàn ông đến từ
Old Etonian đã ở trong tâm trạng giận dữ như thế nào khi ở New
York người ta chỉ trả có ba đô-la cho đồng bảng của ông ta “một
đồng bảng vẫn là một đồng bảng ở Anh. Tôi sẽ mang tiền của mình
về nhà.”
Nhưng những lời chỉ trích thì bắt đầu gần như ngay lập tức.
Trong một bài phát biểu trước Quốc hội ngày 20 tháng Chín,
Snowden tố cáo sự thất bại của Mỹ và Pháp trong các chính sách
liên quan đến vàng. Mặc dù Mỹ cũng có phần nhưng những lời chỉ
trích nặng nề nhất là dành cho Pháp. Trong một lá thư gửi tới
Norman để chúc ông thượng lộ bình an trên đường trở về, Margot
Asquith ghi lại tâm trạng chung trong nước, “Pháp sẽ bị trừng phạt
nặng nề vì tính thiển cận ích kỷ của họ. Nước Pháp đã trở thành tai
họa của châu Âu…” Và cũng mỉa mai thay, nơi chịu nhiều tai ương
nhất của sự phá giá đồng tiền lại là Ngân hàng Trung ương Pháp.
Trong nhiều năm, người ta đã lưu truyền những sự đồn đoán
rằng chính việc bán tháo đồng bảng [Anh] của Pháp sau khi Anh từ
bỏ bản vị vàng đã gây ra sự thất bại của họ. Trước đó, Ngân hàng
Trung ương [Pháp] đã để toàn bộ tài sản 350 triệu đô-la của mình vào
các khoản tiền gửi bằng đồng bảng Anh. Nó đã tạo điều kiện rất
thuận lợi [cho nước Anh] trong suốt cuộc khủng hoảng đến nỗi