làm đảm bảo để cho vay, do đó ép FED phải in thêm tiền. Harrison
băn khoăn rằng có khi đến “cả các loại đồ cũ, thậm chí là ống nhổ
bằng đồng thau ở các ngân hàng lạc hậu ở các vùng quê” [cũng sẽ
được đem ra làm tài sản đảm bảo]. Nhưng sau đó, sự ngần ngại cũng
qua đi và một điều gì đó cuối cùng cũng được thực hiện.
Lúc mười giờ tối Chủ nhật, ngày 12 tháng Ba, Roosevelt có bài nói
chuyện đầu tiên trên sóng phát thanh. “Các bạn của tôi”, ông mở
đầu bằng chất giọng quý tộc nhẹ nhàng của mình “Tôi muốn nói
chuyện với người dân nước Mỹ vài phút về hoạt động ngân hàng…
Tôi muốn nói cho các bạn biết về những gì đã được làm trong vài
ngày qua, vì sao nó được tiến hành và những bước tiếp theo trong
những ngày tới sẽ là gì”. Với lời lẽ đơn giản và dễ hiểu, ông giải thích
cho sáu mươi triệu người ở vô số hộ gia đình trên toàn quốc rằng
“khi các bạn gửi tiền vào một ngân hàng, ngân hàng đó không đưa
khoản tiền trên vào một nơi cất giữ an toàn mà dùng nó để đầu tư,
buộc nó phải sinh lời.” “Tôi biết các bạn đang lo lắng…” ông nói với
họ, “Tôi có thể đảm bảo với các bạn, những người bạn của tôi, rằng
gửi tiền của các bạn vào một ngân hàng được mở lại sẽ an toàn hơn là
cất chúng dưới đệm”. Ngày hôm sau, cây bút hài Will Rogers viết
cho tờ New York Times “Tổng thống của chúng ta đã chọn một vấn
đề khô khan là hoạt động của hệ thống ngân hàng… [và] ông ấy đã
làm cho tất cả mọi người hiểu được nó, kể cả các chủ nhà băng”.
Khi ngân hàng đầu tiên chuẩn bị mở cửa trở lại vào thứ Hai, ngày
13 tháng Ba, không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều người sợ
rằng sau các biện pháp ngăn cản việc chuyển đổi tiền giấy thành
vàng, sự hoảng loạn sẽ tiếp diễn và thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn. Như
Harrison mô tả “Chúng ta đã đóng cửa rất nhiều ngân hàng ngay
giữa cuộc rút tiền hàng loạt, và theo những gì chúng ta biết, sẽ mở
cửa chúng trở lại trong các điều kiện hoàn toàn tương tự”.