hậu trong vài mùa hè qua, và các chuyến thăm của ông đã tạo đề tài
cho báo chí trong suốt giai đoạn u ám ấy. Không phải vì công
chúng Mỹ quan tâm đến Ngân hàng Anh mà bởi vì ngài Norman đã
có ý tưởng tuyệt vời khi vi hành trong vai giáo sư Lừa đảo.
Ngài Norman, thống đốc Ngân hàng Anh, xứng đáng với một
mẩu tin. Nhưng Ngài Norman, thống đốc Ngân hàng Anh, vi hành
trong vai giáo sư Lừa đảo thì là đề tài cho hàng tá bản thảo. Điều đó
làm nảy sinh các kịch bản. Nó làm gợi lên nhiều viễn cảnh về các
mưu đồ quốc tế.
Chúng ta xem việc “Montagu C. Norman ghé qua New York bằng
danh nghĩa thật của mình” là mối đe dọa cho một thể chế Mỹ đã ổn
định… Chúng ta còn phải chịu đựng mưu toan của bọn chủ nhà băng
quốc tế đến bao giờ?
Mặc dù Norman đã chẳng còn thống trị sân khấu tài chính
quốc tế, các đồng nghiệp của ông vẫn cứ để ý và thấy giờ đây làm
việc với ông dễ dàng hơn ra sao. Lý do được khám phá vào ngày 20
tháng Một năm 1933. Báo giới phát hiện ra ông đã nộp đơn xin kết
hôn tại Văn phòng Đăng ký Chelsea. Ngày hôm sau, trước sự sửng
sốt của cả London, ông kết hôn ở tuổi sáu mươi mốt với người phụ
nữ ba mươi ba tuổi Pricilla Worsthorne. Sinh ra trong một gia đình
Công giáo La Mã quý tộc lâu đời, bà đã từng kết hôn với một người
Bỉ di cư giàu có và lười nhác, Alexander Koch de Gooreynd, người đã
nhận cái tên Anh hóa là Worsthorne. Họ có hai đứa con trai nhưng
hiện đã ly dị. Norman hy vọng có một buổi lễ nhỏ riêng tư. Nhưng
thay vào đó, Văn phòng Đăng ký Chelsea bị bao vây bởi các phóng
viên và cặp đôi mới cưới đã phải chạy trốn bằng cửa sau và đi qua
một trại tế bần. Đến chiều ngày hôm đó, để tránh đám phóng
viên săn ảnh, họ trốn khỏi Thorpe Lodge bằng cách trèo qua bức
tường sau vườn.