Tuy thế, Norman vạch ra sự khác biệt giữa vị thế của Anh, nước
bị buộc phải rời bỏ vàng vì thất thế trên trường quốc tế và vị thế
của Mỹ, nước có thể dựa vào trữ lượng vàng khổng lồ của mình để
nắm lấy vai trò lãnh đạo nền kinh tế thế giới. Ông sợ rằng Mỹ
đang từ bỏ vị thế đó, rằng việc giảm giá đồng đô-la có thể là bước
đi đầu tiên tiến tới một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn diện, khi mà
các quốc gia cố gắng làm suy yếu tỷ giá hối đoái của mình hòng
cướp đoạt thị trường từ một nước khác và rằng thế giới có thể đang
bước vào một giai đoạn tiền tệ hỗn loạn.
Trong khi Norman vẫn rất lo ngại về những gì đồng đô-la có
thể gây ra cho nước Anh, thì chí ít ông cũng chia sẻ quan điểm với
Roosevelt rằng giá cả tụt dốc chính là nguyên nhân của cuộc Suy
thoái. Clément Moret, thống đốc Ngân hàng Pháp, lại nhìn nhận
thế giới theo chiều hướng hoàn toàn khác. Với Pháp, cường quốc
duy nhất vẫn còn gắn chặt với vàng, việc giảm giá đồng đô-la là
một thảm họa. Bằng việc định giá thấp đồng franc trong suốt
những năm 1920 và do đó giảm bớt các đối thủ cạnh tranh trên thị
trường thế giới, Pháp đã tránh được hậu quả của sự sụp đổ của nền
kinh tế thế giới trong năm 1929 và 1930. Mọi chuyện hiện giờ lại
hoàn toàn đảo ngược. Việc đồng bảng bị đẩy bật ra khỏi chế độ bản
vị vàng là một cú giáng mạnh vào nước này. Việc Mỹ giảm giá đồng
tiền làm mọi chuyện càng tồi tệ thêm. Pháp hiện đang phải đối
mặt với nguy cơ bị kẹt lại phía sau là nhà sản xuất có chi phí cao
nhất trong số các cường quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, Moret không tán thành quan điểm rằng bơm tiền
vào hệ thống là giải pháp. Theo ông, nguồn gốc các vấn đề kinh
tế của thế giới là sự thiếu lòng tin xuất phát chủ yếu từ quá
nhiều thử nghiệm với tiền tệ. Quá sợ hãi bởi trải nghiệm của mình
trong đầu những năm 1920, các quan chức tiền tệ Pháp, với tất cả
sự nhiệt thành và võ đoán tin rằng con đường duy nhất để hồi