phục là một sự quay trở lại với chế độ bản vị vàng trên quy mô lớn.
Trong trường hợp của Moret, tính chính thống của ông trong các
vấn đề kinh tế không chỉ là về mặt lý thuyết. Ông đã thực thi nó
cả trong đời tư của mình. Sau hai mươi lăm năm làm viên chức tại Bộ
Tài chính, ông đã quen với việc sống giản dị đến mức kể từ khi được
bổ nhiệm vào chức thống đốc Ngân hàng Pháp, ông tiết kiệm đến
85% khoản lương 20.000 đô-la một năm của mình. Tất cả đều được
đầu tư vào trái phiếu vàng của Pháp.
Quyết định của Roosevelt giảm giá đồng đô-la được đưa ra chỉ
vài tuần trước một Diễn đàn Kinh tế Thế giới được lên kế hoạch
từ lâu, dự định sẽ khai mạc tại London. Ý tưởng này ban đầu được
đề xướng bởi Hoover, người tin rằng cuộc Suy thoái bắt nguồn từ
các vấn đề quốc tế và cho rằng một hội nghị toàn cầu có thể là
câu trả lời. Trên thực tế, hội nghị ở London hóa ra lại là một thất
bại hoàn toàn, là hội nghị cuối cùng trong chuỗi dài các hội nghị
thượng đỉnh thảm hại kéo dài từ năm 1919 tại Paris.
Nó bắt đầu bằng các cuộc cãi vã vô bổ về chương trình nghị
sự. Người Anh muốn đàm phán về các khoản nợ chiến tranh.
Người Mỹ từ chối, có lẽ dựa trên nguyên tắc một người sẽ không thể
bị ép phải nhượng bộ về điều mà anh ta sẽ không thảo luận. Nếu
đó là một mánh khóe để thu nợ thì nó quả không có tác dụng gì. Pháp
đã dừng việc trả các khoản nợ chiến tranh. Anh sẽ trả một khoản vào
tháng Sáu, vào giữa hội nghị và sau đó cũng dừng việc đó lại. Quốc
gia duy nhất sau cùng cũng trả tiền đầy đủ cho người Mỹ là Phần
Lan.
Sau khi người Mỹ tách ra khỏi vàng, điều duy nhất mà tất cả ‒
trừ người Mỹ – đều muốn bàn thảo là ổn định tiền tệ, làm thế
nào để tránh cho đồng đô-la khỏi rớt giá xuống thấp hơn. Vài
tuần trước cuộc gặp, khi các nhà lãnh đạo nước ngoài lần lượt tới
Washington để chuẩn bị cho hội nghị, Roosevelt vẫn tỏ ra khó hiểu