như thường lệ. Các phái đoàn ghé thăm đều rời đi với một ấn tượng
là tổng thống bỏ ngỏ một sự thỏa thuận để bình ổn đồng đô-la.
Thậm chí cả các cố vấn tài chính của ông cũng kết luận như vậy.
Vấn đề là ở chỗ Roosevelt, người không thích khơi mào các cuộc
đối đầu, là bậc thầy trong nghệ thuật tỏ ra đồng tình với bất cứ
ai ông nói chuyện cùng trong khi vẫn giấu kín các lá bài của mình.
Ông không hẳn là có ý lừa gạt – bản thân ông cũng chưa quyết định
sẽ làm gì.
Quan điểm thật sự của tổng thống trước hội nghị sẽ trở nên rõ
ràng khi ông chọn lựa thành viên phái đoàn Mỹ. Thậm chí theo các
tiêu chuẩn khắt khe của Quốc hội, họ thật sự không xứng đáng đại
diện cho đất nước mình trong một diễn đàn quốc tế. Ngoại trưởng
Cordell Hull dẫn đầu đoàn, tháp tùng ông là James M. Cox, cựu
thống đốc bang Ohio; Thượng nghị sĩ James Couzens của bang
Michigan, một người nổi tiếng là ủng hộ bảo hộ nội địa; Thượng nghị
sĩ Key Pittman bang Nevada, một người luôn tin vào lạm phát và chủ
trương phục hồi lại việc sử dụng kim loại bạc trong hệ thống tiền
tệ; Ralph W. Morrison đến từ Texas, một nhân vật quan trọng trong
công tác tài chính của đảng Dân chủ; và Samuel D. McReynolds, một
hạ nghị sĩ đến từ Tennessee. Không ai trong số họ từng tham dự
một hội nghị quốc tế trước đó, phần lớn không hiểu hoặc chỉ biết
đôi chút về các vấn đề kinh tế, và ba người theo chủ nghĩa biệt
lập tin chắc rằng hội nghị đương nhiên sẽ thất bại.
Hội nghị khai mạc ngày 12 tháng Sáu tại Bảo tàng Địa chất ở
Nam Kensington. Sáu mươi bảy nước được mời đều nhận lời, ngoại
trừ Panama – nước trả lời là không có đủ nguồn kinh phí để trang
trải cho phái đoàn của mình. Thành phần tham dự hội nghị gồm
một vị vua – vua Feisal của Iraq – tám thủ tướng, hai mươi bộ trưởng
ngoại giao, tám mươi thành viên nội các và người đứng đầu các ngân
hàng Trung ương. Thậm chí Dân ủy Ngoại giao Maxim Maximovitch