Trong tuần lễ mà Roosevelt quyết định tách đồng đô-la ra khỏi
vàng, Norman đang ở Địa Trung Hải tận hưởng tuần trăng mật
muộn. Trên đường trở về London tuần sau đó, không ai dám nói
cho ông biết điều gì đang diễn ra. Thậm chí cả Harrison cũng chỉ có
thể đưa ra một chút gợi ý khi nói với Norman qua điện thoại rằng
ông đã hết sức bất ngờ trước sự giảm giá của đồng đô-la. Tự ông
phải dựa vào báo chí để nắm bắt thông tin về chính sách tiền tệ,
điều mà theo ông có thể nói là đã được quyết định bởi “những ý
tưởng bất chợt” của người đứng đầu Nhà trắng. Với việc tổng
thống kiểm soát các đòn bẩy, bản thân FED hiện nay cũng “hoàn
toàn không biết chính sách của họ hiện là gì và sẽ ra sao”. Trong lúc
đó, Meyer đã rút lui khỏi Hội đồng Thống đốc FED, cơ quan đang
rất khó khăn trong việc thực hiện chức năng của mình, còn nhà
Morgan thì lại đang ủng hộ chính sách gây lạm phát của tổng thống.
Thật khó để Norman biết phải phản ứng ra sao. Tuy ông hết sức
mong đợi sự chắc chắn của bản bị vàng, ông cũng phải thừa nhận là
việc tách khỏi vàng có lợi cho nước Anh. Nước này đã được hưởng
những lợi ích to lớn của việc đồng bảng mất giá 30%. Đồng tiền
mất giá đã bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi tình trạng khủng hoảng
toàn cầu cuối năm 1931 và trong năm 1932 – trong khi giá cả ở
phần còn lại của thế giới giảm 10% trong năm 1932, ở Anh, giá cả
thực tế lại tăng thêm vài điểm phần trăm. Hơn thế nữa, một khi
nhu cầu neo chặt đồng bảng vào vàng qua đi, Norman có thể cắt
giảm lãi suất xuống 2%. Sự kết hợp giữa việc kết thúc giảm phát
với sự thực là tiền nhàn rỗi đang nằm rất nhiều tại các hộ gia
đình, và một đồng bảng yếu đi ở nước ngoài, làm cho hàng hóa Anh
cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới, khởi đầu cho một sự phục
hồi kinh tế. Nước Anh do đó là cường quốc đầu tiên tự mình
thoát khỏi suy thoái.