Các chuyên gia Mỹ ở London lại trải qua một quãng thời gian khó
khăn khi nhận được bức điện. Đến cuối tháng Sáu, một thỏa thuận
mới, ít hiệu lực hơn đã được đàm phán với người Anh và người Pháp,
lần này do Warburg và Moley thực hiện. Nó chẳng cam kết bất cứ
điều gì với bất cứ ai. Nó chỉ đơn thuần thể hiện ý tưởng của các
bên đưa đồng bảng và đồng đô-la quay trở lại chế độ bản vị vàng
tại một tỷ giá không nói rõ và vào thời điểm không định trước khi các
điều kiện chín muồi. Một lần nữa, khi tin tức về bản thỏa thuận
mới được truyền về New York bằng điện tín, các thị trường tài
chính New York thể hiện ngay sự không hài lòng của mình.
Roosevelt lúc đó đang tận hưởng kỳ nghỉ hè của mình cùng
Morgenthau trên chiếc thuyền buồm Amberjack II ngoài khơi
New England. Khi biết tin, ông lập tức hủy ngang thỏa thuận này và
nhân cơ hội đó phát biểu thẳng thừng. Ông gửi điện từ tàu khu trục
hải quân Indianapolis, chiến hạm đang hộ tống tàu của ông, bức
điện viết “Nếu hội nghị lớn nhất của các quốc gia, được triệu tập
nhằm mang lại một sự ổn định tài chính thật sự và lâu dài… lại cho
phép nó thực hiện những ý đồ chủ quan và tạm bợ như thế… thì tôi
sẽ coi đó là một thảm họa sẽ lan ra thành bi kịch của thế giới.” Lên
án “những thứ được tôn sùng quá mức được gọi là các chủ ngân hàng
quốc tế…” ông tuyên bố những kế hoạch hướng tới sự ổn định
này dựa trên một “sự ngụy biện khoác trên mình cái vỏ ngoài hợp lý”.
Mặc dù sau này Roosevelt có thừa nhận là từ ngữ mà ông sử dụng
trong một bức điện được công bố công khai cho toàn thể hội nghị
như thế có phần hơi quá cứng rắn nhưng cuối cùng ông cũng bày
tỏ được quan điểm của mình một cách hết sức rõ ràng. Ông không
cho phép các toan tính quốc tế cản trở việc kích thích nền kinh tế
Mỹ vận hành trở lại, và giảm giá đồng đô-la là cốt lõi của sự phục
hồi.