Cả Roosevelt và Morgenthau đều cười nhạo ý nghĩ của “đám râu
hồng cổ lỗ” – biệt danh mà Roosevelt đặt cho Norman – và “các chủ
nhà băng nước ngoài khác, những người mà từng sợi tóc của họ đều
dựng ngược lên vì sợ hãi”.
Trong suốt tháng Mười Một và Mười Hai năm 1933, Harrison và
tổng thống nói chuyện qua điện thoại vài lần một tuần, đôi khi vài
lần một ngày. Mặc dù Harrison nghĩ rằng các ý kiến của Warren
đều là tầm phào, ông dần dần nhận ra bản thân mình không thể
cưỡng lại sự lôi cuốn kỳ lạ của Roosevelt, thậm chí còn trở thành một
thành viên danh dự trong phe cánh của tổng thống. Và do đó, trong
khi tất cả những người ủng hộ chế độ bản vị vàng khác, những người
đã tham gia chính quyền mới – Warburg, Sprague, Acheson, Moley
– đều đã từ chức hoặc bị bãi nhiệm, Harrison vẫn trụ lại, bị thuyết
phục rằng nếu ông ra đi, Roosevelt sẽ còn đưa ra các kế hoạch
liều lĩnh hơn; hay tệ hơn thế, Quốc hội có thể ban hành luật. Và
ông sợ những nghị sĩ theo đuổi chính sách gây lạm phát trong Quốc
hội hơn là sự thích thú của Roosevelt đối với các ý tưởng lập dị.
Khoảng thời gian ba tháng mà Roosevelt dùng bữa sáng trong
hàng giờ liền để điều khiển giá vàng thế giới là minh chứng cho
một trong các giai đoạn kỳ lạ nhất trong lịch sử chính sách tiền tệ.
Nó làm suy giảm sự tôn nghiêm của văn phòng tổng thống và giảm
bớt sự kính trọng đối với ông ở nước ngoài. Thậm chí ngay cả
Maynard Keynes, người ủng hộ tiền tệ có kiểm soát, cũng mô tả việc
này là “bản vị vàng trong cơn say”. Nhưng ít nhất đồng đô-la cũng
đang đi đúng hướng dẫu còn chưa vững vàng.
Cuối năm đó, Roosevelt bắt đầu thấy mệt mỏi vì chuyện này;
và vào tháng Một năm 1934, ông đồng ý neo vàng ở mức giá 35 đô-la
một ounce. Đồng đô-la giờ đã mất 40% giá trị. Và trong khi các
nhân vật chủ chốt ở Phố Wall tiên đoán một sự hỗn loạn, linh cảm