chế tài chính chỉ dựa vào các luồng vốn có tính an toàn cao để
hoạt động cũng ít nhiều bị đe dọa.
Ở
một vài khía cạnh nào đó, cuộc khủng hoảng hiện thời còn nguy
hiểm hơn cả cơn chấn động trong hệ thống ngân hàng những năm
1931-33. Những năm 1930, hầu hết người gửi tiền phải đứng xếp
hàng bên ngoài ngân hàng để có thể rút được tiền. Giờ đây một
lượng tiền lớn có thể được rút ra nhanh chóng chỉ với một cái nhấp
chuột. Hơn nữa, hệ thống tài chính thế giới đã trở nên rộng lớn hơn
so với GDP, phức tạp hơn và liên hệ với nhau nhiều hơn. Các đòn bẩy
tài chính giờ đây cũng mạnh mẽ hơn, ngày càng có nhiều ngân hàng
bị phụ thuộc vào các nguồn tiền vay ngắn hạn với số lượng lớn có
thể bốc hơi bất cứ lúc nào. Các ngân hàng trên thế giới vì vậy mà
cũng dễ bị tổn thương hơn trước đây. Kết quả là sự chấn động lan
truyền khắp hệ thống nhanh hơn và gây hậu quả nặng nề hơn.
Bù lại nhược điểm này là phản ứng nhanh chóng của các ngân
hàng Trung ương và quan chức tài chính ngày nay. Năm 1931-33,
FED đứng ngoài một cách thụ động trong khi hàng ngàn ngân hàng
phá sản, vì vậy mà nó để dư nợ tín dụng giảm đến 40%. Trong cuộc
khủng hoảng ngày nay, các ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính
các nước ở một mức độ nào đó đã rút ra được bài học từ cuộc Đại
khủng hoảng và phản ứng bằng một loạt các động thái chưa từng
thấy trước đây nhằm bơm một lượng thanh khoản lớn vào thị
trường tín dụng và cấp vốn cho các nhà băng. Không có những biện
pháp này, không nghi ngờ gì, hệ thống tài chính thế giới sẽ sụp đổ
nhanh chóng như đã từng xảy ra trước đây trong những năm 1930.
Mặc dù ảnh hưởng thực tế đến khả năng tiếp cận tín dụng của cuộc
khủng hoảng ngày nay và tác dụng của các hành động chống đỡ của
các ngân hàng Trung ương vẫn còn chưa rõ ràng và tình trạng này sẽ
còn tiếp diễn trong nhiều tháng, nhưng ít nhất thì dường như các
chính phủ cũng đã ngăn chặn được thảm họa.