Trong rất nhiều năm người ta tin – thậm chí nhiều người vẫn
tiếp tục tin – rằng những biến động kinh tế lớn trong cuộc Đại
khủng hoảng có thể là kết quả của những sức mạnh bí hiểm và không
thể lay chuyển mà các chính phủ không thể nào cưỡng lại được.
Những người cùng thời thường mô tả cuộc Đại khủng hoảng như một
cơn địa chấn kinh tế, một trận bão tuyết, một cơn đại hồng thủy
hay một cơn lũ xoáy. Tất cả những phép so sánh này cho thấy lúc
đó người ta nhận định rằng thế giới đang phải đương đầu với một
thảm họa tự nhiên mà không một cá nhân hay tổ chức nào có thể
đứng ra chịu trách nhiệm. Ngược lại, trong cuốn sách này, tác giả
vẫn cho rằng Đại khủng hoảng không phải là do Chúa trời hay là kết
quả của những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa tư bản mà là kết
quả của một chuỗi những đánh giá sai lầm của các nhà hoạch định
chính sách, một số từ những năm 1920, một số khác sau cuộc
khủng hoảng đầu tiên – nó có lẽ là những sai lầm nghiêm trọng
nhất mà các quan chức tài chính từng mắc phải.
Vậy những ai phải chịu trách nhiệm? Thủ phạm đầu tiên là các
chính trị gia chủ trì Hội nghị Hòa bình Paris. Họ chất lên vai nền
kinh tế thế giới vẫn đang cố gắng hồi phục từ những hậu quả
chiến tranh các khoản nợ quốc tế khổng lồ. Đức bước vào những
năm 1920 với 12 tỷ đô-la phải bồi thường cho Pháp và Anh; Pháp nợ
Mỹ và Anh 7 tỷ đô-la trong chiến tranh trong khi đến lượt Anh
cũng nợ Mỹ 4 tỷ đô-la. Những con số này ngày nay tương đương với
việc Đức nợ 2,4 nghìn tỷ đô-la, Pháp nợ 1,4 nghìn tỷ đô-la và Anh nợ
800 tỷ đô-la. Việc giải quyết những khoản nợ khổng lồ này sẽ làm
tiêu hao trí lực cũng như tâm lực của các nhà tài chính trong gần
một thập kỷ cũng như phá hoại các mối quan hệ quốc tế. Quan
trọng hơn, nó còn tạo ra hàng loạt các vết rạn nứt trong hệ thống tài
chính thế giới, khiến cho hệ thống này nhanh chóng sụp đổ dưới
những áp lực nhỏ đầu tiên.