phe này, một là công tước Jacques de Reinach, nguyên là người gốc
Do Thái Đức song lại mang tước vị của Ý, về sau ông ta chết bí ẩn và
được phao ầm lên là chết do tự tử, và người còn lại là Cornelius
Herz, một nhà thám hiểm quốc tế với hành tung khó hiểu, đồng
thời là một nhà tư bản tài chính, nhân vật này đã vội vã trốn khỏi
nước Pháp khi vụ việc vỡ lở. Trong cuộc điều trần trước nghị viện
diễn ra sau đó, Rouvier cùng 104 thuộc cấp và các nhà báo bị buộc
tội nhận các khoản hối lộ, ông lên tiếng bao biện cho mình bằng
cách cãi rằng mình chỉ nhận tiền vì nghĩ dự án này mang lại lợi ích
cho cả đất nước, và gia sản của ông cũng chẳng “phình ra một cách
bất thường” nhờ những món tiền này. Mặc dù những chứng cứ thu
thập được không đủ để luận tội ông, song một lần nữa ông lại bị buộc
phải từ chức và sống mười năm tiếp theo không hề dính líu chút gì
tới lĩnh vực chính trị. Khi Moreau về làm việc dưới trướng Rouvier,
ông ta chỉ mới được phục chức ít lâu.
Moreau không bao giờ để quan niệm kỳ quặc của Rouvier về các
quy tắc đạo đức công cộng làm giảm sút lòng ngưỡng mộ ông dành
cho nhân vật này. Mặc dù ông phải thừa nhận rằng người thầy
thông thái “đáng kính” của mình mắc một chứng rối loạn năng lực
kỳ quặc khiến ông ta không phân biệt nổi đâu là lợi ích cá nhân và
đâu là trách nhiệm công cộng, song ông sẵn lòng cho qua ngay với
suy nghĩ đó là đặc điểm thường thấy ở tất cả các chính trị gia thời
này – đó cũng là một khía cạnh của tình trạng “băng hoại đạo đức rất
phổ biến trong giới chính khách” – và tiếp tục bày tỏ sự biết ơn và
lòng trung thành vô hạn với Rouvier vì những ân huệ mà ông đã hào
phóng ban phát cho Moreau từ thời còn chập chững trên bước đường
công danh.
Năm 1905, Rouvier trở thành chủ tịch hội đồng bộ trưởng lần
thứ hai, Moreau lúc này là trợ lý chính cũng như cánh tay phải của
ông ta. Chỉ trong vòng hai tháng, chính phủ đã phải đối mặt với một