cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng. Tháng Ba năm đó, Hoàng
đế Đức có chuyến thăm tới thành phố Tangiers, và bộc tuệch luôn
ý định thách thức uy thế của Pháp tại khu vực Bắc Phi bằng cách
tuyên bố rằng ngài hết sức ủng hộ công cuộc đấu tranh giành độc
lập của người dân Morocco. Ban đầu Rouvier cố gắng thương
lượng với Đức, song Hoàng đế Đức, đánh hơi thấy sự yếu đuối
của nước Pháp, tiếp tục gia tăng những đòi hỏi của mình. Tình trạng
căng thẳng ngày càng leo thang, Đức ra lệnh triệu tập quân dự bị còn
Pháp cũng chẳng chịu lép, đưa binh lính đến đóng ngoài biên giới.
Chỉ sau vài tháng, Rouvier đã khéo léo xoa dịu cuộc khủng hoảng,
không chỉ bảo toàn vị thế của nước Pháp tại Morocco, mà còn tìm ra
một lối thoát an toàn cho cuộc đối đầu với nước Đức, đồng thời
mở đường cho những cuộc thương thuyết đầu tiên với nước Anh mà
kết quả về sau là một hiệp ước thân thiện giữa Anh và Pháp. Với
Moreau, khi ấy mới chỉ ba mươi sáu tuổi, đó là một bài học ấn
tượng về cách xử trí khi phải đứng ở tâm một cơn bão quốc tế.
Song số phận cay nghiệt đã định đoạt rằng các bộ dưới nền Đệ tam
Cộng hòa chỉ được tồn tại trong vài tháng và quả thật chẳng bao lâu
sau, chính phủ Rouvier cũng bị bãi nhiệm.
Trong suốt hai mươi năm vào ra chính trường, Rouvier có không
ít kẻ thù, không chỉ do những vụ móc ngoặc tài chính ám muội của
ông. Giờ đây, khi Rouvier đã mất hết quyền hành, mọi mũi dùi
đều quay sang chĩa vào Moreau. Moreau đệ đơn xin được bổ nhiệm
vị trí công tác mới, song không được quay lại làm việc trong Bộ Tài
chính nữa, thay vào đó, ông bị thuyên chuyển về Ngân hàng Algeria
(Banque d’Algérie), ngân hàng Trung ương của Algeria và Tunisia,
một tổ chức tài chính rất đỗi khiêm tốn nếu so với Ngân hàng
Trung ương Pháp và các ngân hàng Trung ương khác. Đối với một
viên chức trẻ giàu tham vọng, người đã tốn bao nhiêu mồ hôi nước
mắt mới leo lên được trung tâm của quyền lực, thì nhiệm vụ mới
này thật chẳng khác nào án đi đày biệt xứ. Thật ra tình hình cũng