gà của ông Chủ Trước, nổi tiếng là nơi quy tụ của các nhà giàu vùng Tiền
Giang. Trường gà thầy Tường ở dầu kinh xàng Xà No, gần Cái Răng,
trường gà Hội đồng Điếu Bạc Liêu là nơi quy tụ các đại điền chủ, các quan
phủ, huyện, công tử… khắp Hậu Giang.
Nếu kể các tay chơi đá gà nổi tiếng thời đó, những người lớn tuổi như cụ
Vương Hồng Sển thường nhắc:
- Ở Sóc Trăng có ông chủ On, tên thật là Trần On, làm hương chủ làng
Nhâm Lăng, công tử con quan đàng con. Bao nhiêu đất cát châu thành
Khánh Hưng đều là của tổ phụ ông chủ On để lại. Chủ On là người mê chơi
đá gà khét tiếng. Mỗi lần cá độ phải ăn thua bạc ngàn trở lên (trên dưới
1000 giạ lúa). Ở quận Kế Sách, có ông Hàm Cang (Trần Như Cang) cũng là
một tay chơi đá gà có hạng, ăn thua bạc ngàn. Con ông Cang là công tử Ba
Oai cũng kế nghiệp cha, trường gà nào cũng thường hay có mặt.
Tại Tân An, có anh em ông Hội đồng Vận và ông Cai Nguyên, cũng là
những nhà giàu lớn. Các ông vừa chơi đá gà, đua thuyền, và đánh cờ tướng.
Hồi trước, cách nay hơn nửa thế kỷ, tại Tân An có 2 trường gà nổi tiếng:
Trường gà ông Hội đồng Vận và trường gà Tám Kiểng, thợ bạc.
Trường gà Hội đồng Vận là nơi quy tụ các nhà giàu, các ông phủ, huyện,
ông phán, thơ ký, các thầy cai, đội trong tỉnh. Còn trường gà Tám Kiểng là
chỗ dành cho giới lao động bình dân, ai tới chơi cũng được. Vào những dịp
lễ lớn như Chánh Chung (lễ Độc lập Pháp 14-7) ở Tân An, cũng như nhiều
tỉnh tại Nam Kỳ, đều có tổ chức các cuộc vui chơi cho dân chúng, trong đó,
tại Tân An có đua ghe. Hai anh em Hội đồng Vận (em) và Cai Nguyên là
những Mạnh Thường Quân bỏ tiền sắm ghe, chọn các lực điền tập dượt.
Mỗi chiếc ghe đua thường có 24 người ngồi bơi. Hồi đó, những cuộc đua
ghe này, ông Cai Nguyên thường làm thủ quân, đứng trên ghe, cầm cặp
sanh. Mỗi lần ông gõ nhịp “cắc” thì mỗi bên có 24 cây dầm cắm xuống
nước nghe “pháp”, tạo thành một âm điệu “cắc, pháp” liên tiếp trong khi
các chiếc ghe đua lướt sóng liến về phía trước. Mỗi lần, đua ghe trên sông
Tân An, khi tới cầu quây thì trở lại điểm khởi hành trước dinh Tỉnh trưởng