5-HTT biến thể dài: Nhân tố kháng stress
Lâu nay, các nhà nghiên cứu đã biết rằng một số người chọn cách đương đầu, vượt qua những
tình huống căng thẳng, đau buồn. Họ có thể đuối sức trong một khoảng thời gian nào đó,
nhưng cuối cùng, sẽ hồi phục vững vàng. Còn số khác khi rơi vào tình cảnh tương tự lại trải qua
những cơn trầm uất và rối loạn, lo lắng, và chẳng thể hồi phục dù trải qua vài tháng trời đi
chăng nữa. Vài người thậm chí còn tự sát. Những cặp phản ứng sóng đôi này giống như phiên
bản trưởng thành của những em bé kiểu phản kháng thấp và phản kháng cao của Kagan.
Gene 5-HTT, một gene dẫn truyền setoronin có thể giúp lý giải phần nào sự khác biệt này.
Đúng như tên gọi mà gene này gợi ra, protein được mã hóa trong gene hoạt động như một
chiếc xe bán tải, chuyên chở các setoronin dẫn truyền thần kinh tới các khu vực khác nhau của
não. Nó xuất hiện dưới hai dạng, mà tôi sẽ gọi tên là biến thể “dài” và biến thể “ngắn”.
Nếu có biến thể dài của gene này, bạn sẽ luôn ở trong trạng thái ổn định. Phản ứng với stress
của bạn, vốn tùy thuộc vào mức nghiêm trọng và khoảng thời gian của cơn sang chấn – sẽ nằm
trong hạn độ “điển hình”. (Nguy cơ tự sát thấp và cơ may phục hồi ở mức cao.) Nếu bạn chỉ có
biến thể ngắn của gene này, nguy cơ gây ra những phản ứng tiêu cực (như trầm uất hay thời
gian hồi phục lâu) khi đối mặt với những cơn sang chấn là rất cao. Điều thú vị ở đây là, những
bệnh nhân có biến thể ngắn của gene này cũng gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc và
khó hòa nhập xã hội. Mặc dù mối liên hệ vẫn chưa được xác lập, nhưng điều này nghe rất giống
với trường hợp Em bé 19.
Dường như đúng là có những em bé sinh ra đã nhạy cảm với stress và những em có sức đề
kháng bẩm sinh với stress. Việc chúng ta có thể gắn một phần hiện tượng này với hệ quả do
DNA đưa đến, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể kết luận rằng hiện tượng ấy có cơ sở về mặt
di truyền. Tức là sao? Tức là, bạn không thể thay đổi ảnh hưởng của việc đó lên hành vi ứng xử
của con cái mình, hệt như việc bạn không thể nào biến đổi màu mắt của chúng được.
LÀ KHUYNH HƯỚNG, CHỨ KHÔNG PHẢI SỐ MỆNH
Hãy thật tỉnh táo khi tham gia cuộc tranh luận về di truyền này. Một số phát hiện dựa trên cơ
sở DNA này vẫn còn đòi hỏi thêm nhiều nghiên cứu củng cố nữa trước khi chúng ta chứng thực
chúng là chính xác. Một số thực nghiệm cũng cần được sao chép lại vài lần trước khi thuyết
phục được chúng ta. Tất cả mới chỉ dừng lại ở mức “có liên quan”, chứ không phải kiểu quan hệ
nhân-quả. Hãy nhớ một điều: Khuynh hướng, chứ KHÔNG PHẢI số mệnh. Môi trường dưỡng
dục phủ một cái bóng rất lớn lên tất cả những nhiễm sắc thể này, đây là một đề tài chúng ta sẽ
tiếp tục bàn luận trong chương tiếp theo. Thế nhưng DNA xứng đáng có được một vị trí đáng
kể trên bàn tròn thảo luận về hành vi, mặc dù không phải lúc nào nó cũng ngự ở ghế chủ xị. Vai
trò của các ông bố, bà mẹ quan trọng đến mức đáng ngạc nhiên.
Nhất là trong nền y khoa phát triển mới mẻ và táo bạo như hiện nay, những tấm bình phong di
truyền đối với hành vi có lẽ sẽ càng sẵn có hơn cho các bậc cha mẹ. Biết được con mình thuộc
kiểu phản kháng cao hay thấp liệu có ý nghĩa gì không? Một đứa trẻ yếu ớt khi đối mặt với
stress hiển nhiên cần đến cha mẹ dưỡng dục hơn một đứa trẻ dạn dày, mạnh mẽ hơn. Một
ngày nào đó, bác sĩ nhi khoa của bạn sẽ có thể cung cấp cho bạn thông tin này dựa trên một cơ
sở giản đơn nào đó, ví như kết quả xét nghiệm huyết học. Những bài kiểm tra “đơn giản” như
thế vẫn còn ở thì tương lai. Còn lúc này đây, thấu hiểu những hạt giống sẽ ươm trồng nên hạnh
phúc của con bạn sẽ phải xuất phát từ việc thấu hiểu chính đứa con của bạn.
Những điểm cốt yếu
• Nhân tố tiên báo chính xác nhất cho hạnh phúc ư? Có thật nhiều bạn bè.
• Trẻ học được cách điều tiết cảm xúc của mình sẽ duy trì được những mối giao hảo sâu sắc
hơn những trẻ không học được điều này.