Còn nếu con của bạn thuộc dạng phản kháng cao thì sao? Có vẻ cô nàng sẽ khiến cha mẹ phải
gian khó một phen, nhưng vẫn có một tia sáng lấp lánh. Đến thời điểm những em bé có mức
phản kháng cao này bước vào trường học, như Kagan để ý, phần lớn các em đều thành công về
mặt học hành, kể cả khi các em bồn chồn âu lo đến mức nào. Các em có nhiều bè bạn, ít khi
dính vào chất kích thích, có thai hay lái xe liều lĩnh. Có vẻ đó là một cơ chế đền bù, sinh ra từ
nỗi lo âu. Kagan vẫn tuyển dụng những trợ lý có mức độ phản kháng cao để phục vụ nghiên cứu
của ông. “Tôi vẫn thích những đối tượng có mức phản kháng cao,” ông chia sẻ với tờ New York
Times. “Họ kiểm soát tốt, và không mắc sai sót; họ rất cẩn trọng khi mã hóa dữ liệu.”
Tại sao những em bé cảnh vẻ, kiểu cách này về sau lại có nhiều khả năng tuân theo đúng những
ước nguyện của mẹ cha, hòa nhập xã hội tốt hơn và đạt được thành tích tối ưu? Đó là bởi các
em là những người mẫn cảm với môi trường xung quanh, dù cho chúng cứ không ngừng cằn
nhằn vì lúc nào cũng bị “cầm tay chỉ lối”. Chỉ cần bạn kiên trì vai trò chủ động, ân cần yêu
thương trong việc định hình hành vi, thì kể cả những con người cầu kỳ đỏng đảnh nhất trong
số chúng ta cũng sẽ trưởng thành thuận lợi mà thôi.
KHÔNG CÓ GENE RIÊNG BIỆT NÀO QUYẾT ĐỊNH KHÍ CHẤT
Vậy là khí chất của một đứa trẻ có thể thấy được ngay từ lúc mới ra đời, và duy trì ổn định qua
thời gian. Điều đó có đồng nghĩa với việc khí chất hoàn toàn do các yếu tố di truyền quy định?
Hầu như không phải vậy. Theo những gì chúng ta quan sát được ở những em bé sinh ra giữa kỳ
bão tuyết trong chương Thời kỳ mang thai, thì hoàn toàn có thể tạo ra một em bé căng thẳng
chỉ đơn giản bằng việc gia tăng các hóc môn stress ở bà mẹ. Có hay không sự tham gia của các
gene là một câu hỏi khoa học, chứ không phải một thực tế khoa học. Thật đáng mừng, vấn đề
này đã được đưa ra nghiên cứu.
Những công trình nghiên cứu trên các cặp song sinh tính đến thời điểm này cho thấy không hề
tồn tại một gene biệt lập nào chịu trách nhiệm quyết định khí chất. (Các nghiên cứu về gene
luôn bắt đầu với các cặp song sinh, đối tượng nghiên cứu lý tưởng ở đây sẽ là các cặp đôi bị
chia tách ngay từ lúc ra đời và được nuôi dạy trong các gia đình khác nhau.) Quan sát tính khí
của một cặp song sinh cùng trứng, có thể thấy mức độ giống nhau, tương đồng là 0,4. Điều này
chứng tỏ đúng là gene cũng có phần đóng góp nào đấy, nhưng đó chẳng phải là một con số ấn
tượng gì cho cam. Còn ở các cặp song sinh khác trứng và các cặp anh chị em không phải song
sinh, mức độ tương đồng này chỉ nằm trong khoảng từ 0,15 đến 0,18. Thế này còn kém ấn
tượng hơn nữa.
Nhưng dù sao các nhà nghiên cứu đã biệt lập được một số ít gene giúp giải thích một trong
những hiện tượng khó hiểu nhất trong ngành tâm lý học phát triển: những trẻ nhỏ vượt lên
mạnh mẽ khỏi nghịch cảnh.
Làm thế nào một đứa trẻ vượt qua mọi sóng gió mà vẫn ổn?
Bố của Milo nốc rượu như hũ chìm, rồi sẽ đập phá tất cả những thứ chuyển động. Nhìn chung,
Milo không bị lạm dụng, nhưng các chị cậu thì không được may mắn vậy. Ông ta thường xuyên
cưỡng bức họ và cậu bé Milo mới lên 6 tuổi đã phải nhiều lần chứng kiến cảnh ấy. Bất kể có say
hay không, ông ta đều đánh đập mẹ cậu. Bà dần trở nên chai lì và bất cần, nói gì đến việc chăm
sóc vết thương cho các con mình, dù về thể xác hay tinh thần. Đến một ngày không chịu nổi, bà
đã bỏ đi trên chiếc xe của gia đình với người tình và không bao giờ quay trở lại nữa. Trong cơn
lôi đình, ông bố nện gẫy mũi cậu bé tội nghiệp. Ông ta suy sụp hoàn toàn trong những năm tiếp
sau đó, chìm trong những cơn truy hoan, ngập ngụa rượu cồn, thuốc phiện và những tội ác đê
hèn, và đẩy trách nhiệm gánh vác gia đình lên vai cậu con trai. Một ngày nọ, khi Milo 16 tuổi,
ông bố bảo cậu lên gác. Khi Milo lên đến nơi, ông ta tự xả súng vào đầu mình. Ắt hẳn bạn sẽ
nghĩ rằng tương lai của Milo thế là hết dưới sức tàn phá của một quá khứ đau khổ nhường này.
Nhưng đó lại không phải là những gì đã diễn ra.
Milo có một trí óc rất nhạy với con số. Cậu đạt thành tích xuất sắc ở trường học, đặc biệt là