xuất hiện trong tương lai của bạn, thì cũng có những bé như thế này:
Hôm nay tôi tỉa tóc cho con gái 3 tuổi, cô nàng soi gương, khen tôi: “Khá đấy, cô bạn ạ!” Chết
cười mất!
Sự kết hợp lạ lùng về hành vi giữa kẻ tội đồ và vị thánh sống này thường được miêu tả bằng
cụm từ “bé 2 tuổi đáng sợ” (mặc dù trên thực tế còn có cả bé lên 3, bé lên 4, bé lên 5 và hơn thế
nữa, như những bài đăng trên diễn đàn đã chứng thực). Khi trẻ được 2 tuổi thì các ông bố bà
mẹ cũng “tiến hóa” theo. Họ bắt đầu chuyển từ những người chăm sóc, vỗ về, thủ thỉ và bạn
chơi cùng mẫu mực sang thành những bậc cha mẹ chuyên thét gào, vò đầu bứt tai và nóng nảy.
Quá trình chuyển đổi này cũng là tự nhiên. Và nỗi chán nản cũng như vậy. Đa phần người lớn
đều học được nhiều điều từ các em bé trong những giai đoạn này, bao gồm cả việc nhận ra
rằng lòng kiên nhẫn của mình ít ỏi nhường nào. Hẳn nhiên, kiên trì đi tiếp là một việc bắt buộc,
đi tiếp như thế nào lại rất quan trọng, nếu như mục tiêu của bạn là nuôi dạy một em bé hạnh
phúc.
MỘT EM BÉ XUẤT CHÚNG
Chúng ta đang nói chuyện về mẫu trẻ nào vậy? Tôi nghĩ đến Doug, người bạn học cùng trường
cấp III với tôi hồi những năm 1970. Doug là mẫu người hoàn hảo – cực giỏi toán, và cả hùng
biện. Anh cũng xuất sắc ở gần như mọi môn học. Doug cũng là đại diện học sinh phát biểu tại lễ
tốt nghiệp, một sự thực mà cơ hồ, anh đã nhận được như là tất yếu ngay từ khi mới là một học
sinh chân ướt chân ráo vào trường. Doug còn rất giỏi thể thao (là thủ công chủ chốt trong đội
tuyển đại diện trường), tự tin, rất thoải mái (với một nụ cười dễ mến) và rất phong nhã. Và
vượt trên tất cả, Doug là một người khiêm nhường. Những điều đó khiến Doug được ngưỡng
mộ vô cùng. Xét trên mọi phương diện, Doug rất thông minh, tài giỏi, năng động, giỏi hòa nhập
và hạnh phúc. Liệu tất cả chỉ là “tỏ ra như vậy” hay nó là một thứ gì đó đã nằm trong triết lý
sống của Doug rồi?
Một khối lượng dữ liệu khá lớn đã nói lên rằng, trên thực tế, những đứa trẻ như Doug đúng là
khác hẳn, xét về mọi khía cạnh. Khả năng vô thức điều tiết các hệ thần kinh tự trị của những
người như vậy – một thứ mà chúng ta gọi là “thần kinh mê tẩu” – thể hiện mức độ ổn định vượt
trội. Doug là điển hình cho một nhóm trẻ xuất chúng, tuy số lượng rất ít nhưng có vai trò quan
trọng, có tồn tại trên khắp thế giới. Những trẻ này:
• Có khả năng điều tiết cảm xúc tốt hơn, xoa dịu bản thân nhanh chóng hơn.
• Đạt được thành tích học tập cao nhất.
• Thấu cảm tốt hơn.
• Có hiếu với cha mẹ và vâng lời cha mẹ hơn, thái độ ngoan ngoãn nghe lời xuất phát từ cảm
giác gắn bó thực sự chứ không phải do sợ hãi.
• Ít nguy cơ trầm uất hay rối loạn lo lắng nhi khoa.
• Cực ít mắc phải các bệnh truyền nhiễm.
• Ít có xu hướng hành xử bạo lực.
• Có những mối giao hảo bạn bè sâu sắc và phong phú hơn.
Đặc điểm cuối cùng mang lại cho những trẻ kiểu này ưu thế lớn nhất để được hạnh phúc.
Những phát hiện này đã thôi thúc các vị phụ huynh đặt ra câu hỏi:
“ANH KIẾM ĐÂU RA NHỮNG ĐỨA TRẺ XUẤT SẮC ĐẾN THẾ?”