ứng xã hội của trẻ phần lớn đều thấp hơn khoảng 2/3 so với những em bé “gắn bó yên ổn”. Khi
lớn lên, những em này cũng thể hiện những xung đột tình cảm trong đời sống với các cá nhân
khác cao gấp đôi so với những bé được gắn bó yên ổn. Các em cũng ít bộc lộ thái độ thấu cảm
và dễ cáu kỉnh hơn, thành tích học tập cũng thấp hơn.
SỰ GẮN BÓ CẦN ĐẾN HÀNG NĂM TRỜI
Lý thuyết về sự gắn bó đã bị diễn giải sai lệch trên các phương tiện truyền thông, đến mức còn
bị diễn tả như thể các em bé sinh ra với một lớp hồ nhão liên kết chóng khô. Ngay lập tức sau
khi chào đời, tất cả mọi thứ phải được thực hiện thật khẩn trương – đặt em bé nằm trên bụng
mẹ là việc rất phổ biến – trước khi lớp hồ nhão kia khô đi và giai đoạn gắn bó then chốt đã qua
mất. Những quan niệm kiểu này vẫn đầy rẫy ngoài kia.
Một đồng nghiệp kể cho tôi nghe chuyện anh vừa mới kết thúc một bài giảng về sự gắn bó thì
một phụ nữ tên là Susan lên gặp anh ở bục giảng. “Tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa,” cô mở
lời. Susan sinh đứa con đầu lòng một tháng trước, và sau một cuộc vượt cạn cực kỳ vất vả, cô
rơi vào cơn choáng váng do kiệt sức. “Tôi đã ngủ qua cả kỳ gắn bó của mình!” Susan thốt lên,
nước mắt trào ra. “Liệu em bé còn yêu tôi không?” Susan bị khủng hoảng vì sợ rằng mối quan
hệ giữa hai mẹ con đã bị tàn phá vĩnh viễn. Cô đã nghe một người bạn kể rằng ở một phòng
sinh, người ta còn trưng hẳn một bảng hiệu ghi: “Yêu cầu không nhấc em bé rời khỏi mẹ cho
tới khi quá trình gắn kết hoàn tất.” Nghe thật đáng sợ!
Đồng nghiệp của tôi gắng trấn an cô rằng không có chuyện gì cả, rằng việc bỏ lỡ ấy có thể khắc
phục, và còn rất nhiều dịp để hai mẹ con chia sẻ với nhau.
Mối gắn bó này giống với loại vữa khô từ từ hơn là thứ siêu-keo-nhanh-cứng. Bé sơ sinh bắt
đầu phát triển những nhận thức về cách thức con người liên đới với nhau, gần như ngay lập tức
sau thời điểm chào đời. Sau đó, bé sử dụng thông tin này để khám phá ra xem làm thế nào để
tồn tại, mà cha mẹ chính là mục tiêu tự nhiên trước nhất. Những mối quan hệ hình thành từ
hoạt động này dần dà phát triển theo thời gian, thường thì khoảng hai năm hoặc hơn. Theo số
liệu nghiên cứu, các bậc cha mẹ không ngừng dành sự tập trung chú ý – đặc biệt là những năm
đầu đời của bé – sẽ có nhiều cơ may nuôi dạy được những đứa con hạnh phúc.
NUÔI DẠY CON CÁI KHÔNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NÓNG NẢY
Thế có phải bạn chỉ cần “tương tác đồng thời” liên tục với con bạn là hoàn thành sứ mệnh cha
mẹ? Không đâu. Tương tác với đứa con mới lên ba có thể là cần thiết (và vui vẻ) nhưng chừng
đấy chưa đủ để biến em bé thành một công dân hạnh phúc. Trẻ sẽ trưởng thành vào một thời
điểm nào đó, một quá trình sẽ tự nhiên biến đổi cách cư xử của trẻ và khiến những mối quan
hệ của trẻ với hầu hết tất cả mọi người phức tạp lên. Ở vai trò cha mẹ, bạn sẽ phải thích ứng
với những biến đổi đó ở trẻ. Chuyện nuôi dạy con cái thật tuyệt vời. Nhưng nó không dành cho
những người yếu đuối, sốt ruột. Những biến đổi về hành vi này thể hiện triệt để đến mức nào?
Hãy lắng nghe những bậc phụ huynh này bày tỏ:
Làm thế nào mà con gái bé bỏng dễ thương của tôi lại vụt biến thành ương ngạnh như quỷ sứ
chỉ qua một đêm, khi vừa lên 3 thế chứ? Hôm nay con bé bảo tôi là nó không thích tôi và sẽ
thọc dao vào tôi. Nó còn cố giẫm chân lên ngón tay của một em bé mới 14 tháng tuổi và văng
tục mà chẳng vì lý do gì cả.
Hừ hừ hừ. Tôi vừa mới quát cậu con trai 5 tuổi của mình một trận. Tôi đã bảo thằng bé thôi
ngay cái trò chạy vòng quanh để tôi dọn nhà). Thế mà nó chỉ nhìn tôi nhăn răng cười rồi tiếp
tục lượn vèo vèo. Tôi cố dỗ thằng bé ngồi yên, nhưng nó chỉ thích lượn vèo vèo xung quanh.
Tôi thấy mệt mỏi lắm, nhưng trời ơi, biết làm sao khi mà tỏ ra tử tế cũng chẳng ích gì?
Bạn có thể cảm thấy quá trình chuyển đổi ngay trong lòng những bà mẹ đáng thương này.
Nhưng kể cả những em bé 3 tuổi ồn ào và những bé mẫu giáo bướng bỉnh gần như chắc chắn sẽ