Hồi đáp cộng với không đòi hỏi nghiêm khắc. Những bậc cha mẹ này thực lòng rất yêu con,
nhưng lại ít có khả năng xác lập và thi hành luật lệ. Họ sẽ né tránh việc đối mặt với các vấn đề
và hiếm khi yêu cầu con cái phải tuân thủ quy củ gia đình. Những bố mẹ kiểu này thường hay
bị lúng túng trước nhiệm vụ nuôi dạy con cái.
Xao lãng: Quá xa rời
Không hồi đáp cộng với không đòi hỏi nghiêm khắc. Có lẽ là trường hợp tồi tệ nhất trong bốn
nhóm. Những bậc cha mẹ này chẳng mấy để ý đến con cái và cũng chẳng buồn tương tác hằng
ngày với con mà chỉ đơn thuần đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.
Quyết đoán: Vừa vặn
Hồi đáp tích cực cộng với đòi hỏi nghiêm khắc. Có lẽ đây là trường hợp tối ưu trong bốn nhóm.
Những bậc cha mẹ kiểu này đòi hỏi nghiêm khắc, nhưng vô cùng quan tâm đến con cái mình.
Họ giải thích các luật lệ và khuyến khích con cái bày tỏ ý kiến riêng. Họ khuyến khích con tự lập
trong chừng mực tuân thủ các chuẩn giá trị của gia đình. Những bậc cha mẹ kiểu này thường
sở hữu những kỹ năng giao tiếp tuyệt vời với con cái mình.
Những bậc cha mẹ xao lãng có xu hướng sản sinh ra những đứa trẻ cư xử tồi tệ và rất thách
thức về mặt tình cảm (chúng cũng thường đạt điểm số kém nhất). Còn những ông bố bà mẹ
quyết đoán thì sinh ra những đứa con kiểu như bạn Doug của tôi.
Đến năm 1994, ý tưởng thấu đáo này của Baumrind đã được khẳng định trong một nghiên cứu
quy mô lớn trên hàng nghìn sinh viên ở California và Wisconsin. Chỉ dựa vào cách nuôi dạy con
cái, các nhà nghiên cứu đã tiên đoán thành công tương lai của đứa trẻ, dù ở tôn giáo nào, chủng
tộc nào đi chăng nữa. Những nghiên cứu sâu hơn đã góp phần củng cố và phát triển ý tưởng
ban đầu của Baumrind. Làm thế nào mà các bậc cha mẹ lại rơi vào một trong bốn phong cách
nuôi dạy này? Câu trả lời sẽ nằm trong món gia vị tiếp theo của chúng ta.
Hãy tưởng tượng là bạn ghé qua nhà người bạn thân thiết chơi, hai nhóc Brandon và Madison
cặp sinh đôi 4 tuổi của cô ấy đang chơi ở tầng trệt. Đột nhiên, bạn nghe tiếng gào thét. Cặp
song sinh đang tranh giành rất hăng: một đứa muốn chơi trò trận giả với mấy bức tượng nhỏ;
đứa kia lại muốn bày trò xây nhà cơ. “Đưa em đây!” Bạn nghe tiếng Brandon thét lên, gắng giật
lấy mấy bức tượng về mình. “Thế là không đều!” Madison thét trả, cố giằng lấy mấy món từ
Brandon. “Đưa cho anh!” Bà mẹ kia muốn bạn phải nghĩ rằng cô ấy có mấy thiên thần bé bỏng
chứ không phải quỷ sứ thế này, vậy là cô ấy xồng xộc đi xuống. “Mấy đứa hỗn láo kia!” Cô gầm
lên. “Các con không chơi cho tử tế được à? Các con làm mẹ xấu hổ quá, thấy chưa?” Brandon
bắt đầu khóc, còn Madison thì tỏ vẻ hờn dỗi, mắt cắm xuống sàn nhà. “Khổ thân tôi, chỉ nuôi
rặt một lũ mít ướt,” cô càu nhàu, lại phăm phăm lên cầu thang.
Bạn sẽ làm gì trong tình huống đó, nếu là bố mẹ của cặp song sinh? Dù bạn có tin hay không,
thì các nhà tâm lý học có thể dự đoán được phần nào cách hành xử của bạn. John Gottman gọi
đó là triết lý siêu-cảm-xúc của bạn. Một siêu-cảm-xúc chính là những gì bạn cảm nhận về các
cảm xúc.
Có những người chủ động chào đón các trải nghiệm cảm xúc, coi chúng như một phần quan
trọng và làm phong phú thêm hành trình cuộc sống. Tuy nhiên cũng có người nghĩ rằng cảm
xúc khiến con người ta yếu đuối và hổ thẹn và cảm xúc cần phải được kìm chế. Lại có những
người chia ra hai loại cảm xúc, một loại cảm xúc thì không vấn đề gì, như là vui vẻ và hạnh
phúc, và vài loại khác lại nên giữ trong danh sách cấm-ngặt: giận dữ, buồn bã và sợ hãi. Cũng
có những người chẳng biết phải xoay xỏa ra sao với cảm xúc của mình và cố gắng tránh xa
khỏi chúng. Đó chính là trường hợp của Rachel ở phần đầu chương này. Bất cứ điều gì bạn cảm
nhận về những cảm xúc – của chính mình hay ở người khác – đều là triết lý siêu-cảm-xúc. Bạn
có nhận ra bốn phong cách nuôi dạy con cái mà Baumrind nêu ra trong những kiểu thái độ này
không?