chuyên gia đại tài trong việc dự đoán những phản ứng có khả năng xảy ra trong gần như bất cứ
tình huống nào. Điều này dẫn đến việc họ có thứ cảm giác rất bản năng về những điều tích cực
hay tiêu cực có thể xảy ra với con cái mình.
Lý do thứ hai là, các bậc cha mẹ liên tục tập trung chú ý bền bỉ suốt nhiều năm tháng sẽ không
bị rơi vào cảnh “trở tay không kịp” với quá trình phát triển tình cảm đầy biến động của con
mình. Điều này hết sức quan trọng, xét trong bối cảnh những vận động kiến tạo xảy ra trong
quá trình phát triển của não bộ suốt thời thơ ấu. Khi trí não của trẻ biến đổi, hành vi của trẻ
biến đổi theo, và kết quả là thêm nhiều biến đổi xảy đến với não bộ. Những bậc cha mẹ luôn
quan tâm kiểu này sẽ phải nếm trải ít bất ngờ hơn khi con cái mình dần lớn lên.
Tuy vậy, thái quá lại không hề tốt. Cuối thập niên 1980, các nhà nghiên cứu đã kinh ngạc khi
phát hiện ra rằng khi các bậc cha mẹ chú ý quá mức đến các tín hiệu của con mình – hồi đáp lại
mọi thứ, dù là tiếng lọc sọc hay đằng hắng của con mình – thì cuối cùng, trẻ trở nên kém gắn
bó. Trẻ em (giống như tất cả mọi người) đều không thể chịu đựng sự vỗ về thái quá. Cảm giác
ngột ngạt khó thở dường như xen vào khả năng tự điều tiết, lẫn lộn với nhu cầu tự nhiên về
không gian và sự độc lập.
Trong trò chơi ú òa kể trên, bạn hãy để ý xem có bao nhiêu lượt bà mẹ lui lại để hồi đáp với tín
hiệu phát ra từ em bé. Phần lớn các bậc cha mẹ ban đầu đều phải vất vả mới hiểu được khi nào
thì con mình đang cảm thấy được yêu thương hay cảm thấy bị bức bối. Một số phụ huynh sẽ
không bao giờ hiểu nổi. Một nguyên do khả dĩ có lẽ là bởi cảm xúc của những đứa trẻ khác
nhau vốn khác nhau. Dù vậy, bạn vẫn cần phải xác lập mức cân bằng (xin mời chèn toàn bộ
phần thảo luận về nguyên tắc Goldilocks của chúng ta vào đây). Các bậc cha mẹ không từ chối
thấu cảm với con sẽ góp phần tạo nên những mối gắn bó an toàn nhất.
“Con không thích đâu,” cô bé 3 tuổi làu bàu một mình lúc khách khứa lục tục ra về. Khổ sở chịu
đựng suốt cả buổi tiệc sinh nhật chị gái, con bé giờ đây phát khùng. “Con muốn búp bê của chị
Ally cơ, không phải con này!” Bố mẹ đã mua cho nó một món quà an ủi, nhưng toàn bộ kế
hoạch ấy đã phá sản. Con bé ném bịch búp bê xuống sàn. “Búp bê của chị Ally cơ! Của chị Ally
cơ!” Bé bắt đầu khóc. Bạn có thể tưởng tượng là ông bố bà mẹ có thể lựa chọn cách nào trong
mấy cách hành xử khi đối mặt với một cô bé con đang giận dỗi thế này.
“Trông con có vẻ buồn. Con có buồn không?” bố cô bé hỏi. Con bé gật đầu, vẻ vẫn tức giận. Ông
bố nói tiếp: “Bố nghĩ là bố biết tại sao đấy. Con buồn vì chị Ally có bao nhiêu là quà. Còn con chỉ
có mỗi một món!” Cô nhóc lại gật đầu tiếp. “Con muốn có từng nấy quà cơ, mà lại không được,
thế là không công bằng và làm con thấy buồn. Cứ khi nào ai đó có được thứ bố thích mà bố
không có, bố cũng thấy buồn chứ.” Im lặng.
Rồi ông bố nói ra một câu thể hiện đặc trưng lớn nhất của một vị phụ huynh giỏi khoa nói.
“Chúng ta có một từ để miêu tả cảm giác này, con yêu ạ. Con có muốn biết đấy là từ gì không?”
Nó thút thít “Có ạ.” Ông bố ôm con vào lòng. “Chúng ta gọi là ganh tị đấy. Con muốn các món
quà của chị Ally, mà lại không được. Con đang ganh tị.” Nó khóc ti tỉ nhưng bắt đầu bình tĩnh
trở lại. “Ganh tị,” nó sụt sịt. “Ừ,” ông bố đáp, “và đấy là một cảm giác khó chịu cực kỳ.” “Cả ngày
lúc nào con cũng ganh tị hết,” nó đáp, nép mình vào trong vòng tay to lớn vững chắc của bố
mình.
Người cha nhân hậu này rất thạo a) dán nhãn cảm xúc của mình và b) dạy cho con gái mình
cách dán nhãn những cảm xúc của bé. Anh biết rõ là nỗi buồn trong lòng mình có dáng vẻ ra
sao và gọi tên nó ra rất dễ dàng. Anh cũng biết nỗi buồn trong lòng đứa trẻ ra sao và anh dạy
cho con gái mình biết cách nói nó ra. Anh cũng thạo cách dạy về niềm vui, sự giận dữ, gớm
ghiếc, bận tâm, sợ hãi – toàn bộ các trải nghiệm của con gái mình.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen dán nhãn cảm xúc này là một hành vi chủ chốt của tất cả
những bậc cha mẹ nuôi dạy được những đứa con hạnh phúc. Những đứa trẻ được “phơi” ra
trước hành vi nuôi dạy này đều đặn, thường xuyên sẽ biết cách tự xoa dịu bản thân, có thể tập