bạn thường cũng có ngay những cảm xúc tương tự, cứ như thể nó là virút vậy. Các nhà điều tra
quan tâm đến việc đám đông ảnh hưởng ra sao tới hành vi của từng cá nhân đã khám phá ra
hiện tượng lây lan cảm xúc này. Nó cũng ứng vào một vạt trải nghiệm cảm xúc rộng lớn, trong
đó có cả tính hài hước. Chính bạn cũng đã được “phơi” ra trước hiện tượng này suốt bao nhiêu
năm nay. Để cố gắng lôi kéo bạn “bắt” vào cảm giác hài hước, các phim truyền hình trên ti vi
thường kèm thêm cả các tràng cười sẵn.
Thấu cảm làm dịu cơn căng thẳng
Nhóm nghiên cứu thứ hai lại xem xét làm thế nào để tối ưu hóa mối quan hệ giữa bác sĩ và
bệnh nhân. Hiện tượng này rất đánh đố: các bác sĩ điều trị có nhịp tim và nhiệt độ ngoài da
đồng bộ với nhịp tim và nhiệt độ của bệnh nhân trong các phiên phỏng vấn lâm sàng nhận thấy
rằng bệnh nhân của họ hồi phục nhanh hơn và khỏi hoàn toàn so với những bác sĩ điều trị có
các điều kiện sinh lý học không tương hợp với bệnh nhân. Hiện tượng này được gọi bằng thuật
ngữ, khá hợp lý, là đồng đại sinh lý học. Bệnh nhân của những bác sĩ “đồng cảm” này thường
khỏi những cơn cảm lạnh nhanh hơn, hồi phục sau phẫu thuật nhanh hơn (với ít biến chứng
hơn) và cũng ít phải kiện tụng vì những sơ suất trong điều trị. Sự hiện diện của thấu cảm thực
tế là vấn đề sống còn với sức khỏe.
Phát hiện sinh học này trực tiếp dẫn tới một khám phá khác, rằng thấu cảm có tác dụng xoa
dịu con người. Khi não bộ nhận biết được sự thấu cảm, các dây thần kinh mê tẩu thả lỏng cơ
thể. Dây thần kinh này kết nối thân não bới các khu vực khác trên cơ thể, trong đó có cả vùng
bụng, ngực và cổ. Khi bị kích thích quá độ, nó sẽ gây ra đau đớn và buồn nôn.
Việc này có thể cần nỗ lực rèn luyện
Nếu như bạn cảm thấy việc thể hiện sự thấu cảm một cách đều đặn, thường xuyên thật khó, thì
cũng là điều dễ hiểu. Bạn có thể phát hiện ra khi đón đứa con đầu lòng, rằng thế giới trước kia,
hóa ra xoay quanh một mình bạn, bạn và chỉ bạn mà thôi. Giờ đã đổi sang thành xoay quanh
một mình bọn trẻ, bọn trẻ và chỉ bọn trẻ mà thôi. Đây là một trong những phần “khó nhằn”
nhất trong bản hợp đồng xã hội kia. Nhưng khả năng dịch chuyển từ bản thân sang bọn trẻ,
một việc do sự thấu cảm thôi thúc bất cứ ai phải làm, sẽ tạo nên tất cả những biến đổi cho trí
não của con cái bạn.
Kể cả thấu cảm dường như nảy ra từ những nguồn thiên bẩm đi chăng nữa, thì con bạn vẫn
phải trải nghiệm nó một cách đều đặn để thành thạo việc bày tỏ nó ra ngoài. “Thấu cảm xuất
phát từ việc được thấu cảm,” Stanley Greenspan, một giáo sư lâm sàng tâm thần học và nhi
khoa tại Trường Dược thuộc Đại học George Washington đã nói như vậy trong cuốn sách
Nhứng đứa trẻ xuất sắc (Great Kids) của mình. Để có thể nuôi dạy nên những đứa con giàu
lòng thấu cảm, bạn nhớ phải rèn luyện sự thấu cảm thật đều đặn thường xuyên, với bạn bè, với
vợ/ chồng mình, với các bạn đồng nghiệp. Cũng giống như trong môn quần vợt vậy, những tay
vợt mới tập tọng vào nghề sẽ chơi tốt nhất khi có thể thường xuyên luyện tập với những tay
chuyên nghiệp. Con bạn càng được chứng kiến sự thấu cảm nhiều bao nhiêu, nó sẽ càng phát
triển đầy đủ về mặt xã hội bấy nhiêu, và nó sẽ càng hạnh phúc hơn. Đến lượt mình, con bạn
cũng sẽ sản sinh ra những đứa cháu giàu lòng thấu cảm – sẽ là nguồn an ủi lớn lao khi tuổi già
xế bóng, nhất là với viễn cảnh nền kinh tế ủ ê ọp ẹp.
Thật may, để có thể tặng cho con mình món quà “khả năng điều tiết tình cảm”, bạn không cần
phải tung hứng cả sáu loại gia vị này suốt 24 giờ mỗi ngày. Nếu như 30% trong tổng lượng
tương tác giữa bạn với con mình là thấu cảm, thì, Gottman dám chắc, rằng bạn sẽ nuôi dạy
được một đứa con hạnh phúc. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc 70% thời gian còn lại bạn
có thể xả hơi chút đỉnh? Có lẽ. Thực đúng như vậy, các số liệu đã nhắm thẳng vào sức mạnh to
lớn của việc tập trung chú ý đến các cảm xúc. Rất nhiều các bậc phụ huynh không nuôi dạy
được những đứa con như bạn Doug của tôi. Nhưng không có lý do gì mà bạn lại không làm
được điều đó cả.