vẹn dưới 18.500 cá thể (có người còn nói con số đó dưới 2.000). Nhìn theo quan điểm thuyết
tiến hóa Darwin này, thì não bộ của chúng ta ngay từ khi sinh ra đã được cài đặt sẵn những sự
thính nhạy nhất định về đạo đức, một thứ về sau sẽ phát triển theo kiểu bán-biến-thiên, tùy
thuộc vào việc chúng ta được nuôi dạy ra làm sao. “Con người chúng ta sinh ra với bộ quy tắc
đạo đức chung,” nhà khoa học nhận thức Steven Pinker đã nói như thế, “điều đó khiến chúng ta
có xu hướng phân tích hành động của loài người theo chuẩn đạo đức.”
Đa phần các nhà khoa học đều cho rằng nhân tố nền tảng tạo nên “đạo đức” của con người bao
gồm khả năng phân biệt đúng-sai; thái độ bài trừ những hành vi bạo lực như cưỡng hiếp và sát
nhân; và lòng thấu cảm. Nhà tâm lý học trường Yale – Paul Bloom bổ sung thêm ý thức về công
lý, biết cảm động và đáp lại sự ân cần và lòng vị tha, cũng như thói quen đánh giá hành vi của
người khác. Còn nhà tâm lý học Jon Haidt xếp thành năm nhóm: quan tâm săn sóc (bảo vệ
người khác khỏi những mối nguy hại), tính công bằng, lòng trung thành, tôn trọng uy quyền và
một thứ nghe rất gây tò mò, ấy là sự thuần khiết về tinh thần.
Nếu đạo đức là một phần bẩm sinh trong não bộ của loài người, hẳn chúng ta có thể quan sát
thấy ít nhiều biểu hiện ở láng giềng tiến hóa của mình. Và có thế thật, chẳng phải kiếm đâu xa,
ở ngay một vườn thú ở Anh, Kuni – một con tinh tinh cái sống trong khu chuồng mở của vườn
thú, ngăn cách với bên ngoài bằng một mặt kính và mặt còn lại mở ra không gian thiên nhiên,
có hào nước bao quanh. Ngày nọ, con tinh tinh phát hiện ra có con chim sáo đá đập vào vách
kính và rơi xuống khu chuồng. Mặc dù bất tỉnh, con chim hầu như không bị thương tích gì, và
người quản thú thúc giục con tinh tinh thả nó đi.
Những gì Kuni làm sau đó thật phi thường. Nó nhặt con chim yếu ớt lên, đặt lên bàn chân mình
và hất đi một khoảng ngắn. Con chim vẫn không tỉnh lại. Sau một hồi nghĩ ngợi rất lung, Kuni
bắt đầu làm cách khác. Nó cầm con chim bằng một tay và trèo lên ngọn cây cao nhất trong khu
chuồng bằng tay kia, trông như là chàng King Kong với một cô nàng Fay Wray dưới lốt chim
vậy. Con tinh tinh vòng hai chân ôm lấy thân cây để được rảnh rang cả hai tay xoay xỏa với con
sáo đá. Hết sức khéo léo, nó nắm lấy hai cánh chim – mỗi tay một cánh – và cẩn thận mở ra. Rồi
bất ngờ, tinh tinh ném chú chim mạnh hết sức về hướng của tự do. Con chim rớt xuống ngay
cạnh hào nước. Một cậu khỉ hiếu kỳ thấy vậy lại gần xem xét. Kuni vội nhào xuống, đứng chắn
trước con sáo đá. Nó cứ đứng ở gác canh của mình cho đến tận lúc chú chim nhỏ có thể tự bay
đi.
Đây là một ví dụ phi thường của… một thứ gì đó. Mặc dù chúng ta không có cách gì bước vào
trong đầu của con tinh tinh, nhưng ví dụ trên cũng đủ cho thấy rằng động vật cũng có đời sống
tình cảm tích cực, có thể, bao gồm cả lòng vị tha. Ở con người, lòng vị tha này đạt mức độ cao
hơn, thường xuyên hơn và dưới những dạng thức tinh vi hơn so với người láng giềng chung
nguồn gốc di truyền của mình.
Nếu như nhận thức đạo đức mang tính phổ quát, chúng ta cũng có thể mong đợi được thấy sự
tương đồng giữa những nền văn hóa khác nhau. Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã
tiến hành một bài Kiểm tra Tri giác Đạo đức, có sự tham gia của hàng trăm nghìn người từ hơn
120 quốc gia. (Bạn cũng có thể đóng góp ý kiến của mình tại địa chỉ
http://moral.wjh.harvard.edu.) Dữ liệu tổng hợp được đã khẳng định quan điểm tri giác đạo
đức mang tính phổ quát.
Manh mối thứ ba cho thấy nhận thức đạo đức là “tính bẩm” liên quan đến thực tế là tình trạng
tổn thương khu vực chuyên biệt của não bộ có thể ảnh hưởng tới năng lực đưa ra một số loại
quyết định đạo đức nhất định nào đó.
SAO LŨ TRẺ KHÔNG CƯ XỬ CHO TỬ TẾ ĐƯỢC NHỈ?
Nếu đúng là trẻ sinh ra với tri giác đúng-sai vốn bẩm, vậy tại sao chúng không đơn giản là làm
điều đúng - đặc biệt là khi lớn hơn (tuổi dậy thì chẳng hạn)?