thông minh của một em bé tăng tương ứng với cân nặng khi chào đời, trong khoảng dưới 3,6
kg. Trước ngưỡng này, công việc đã gần như hoàn tất: IQ chỉ sai khác 1 điểm giữa em bé nặng
2,9 kg với em bé nặng 3,4 kg. Trên 4,1 kg, IQ thực sự giảm xuống ít nhiều, trung bình khoảng 1
điểm. Hiện tượng hụt điểm IQ này có lẽ xảy ra do các em bé quá to nhiều khả năng sẽ gặp phải
chứng thiếu oxy trong máu hay những thương tổn khác lúc chào đời.
Bạn phải ăn bao nhiêu mới là đủ? Việc ấy tùy thuộc vào cơ thể của bạn khi bắt đầu mang bầu,
căn cứ vào chỉ số Khối Cơ thể (BMI). Nếu chỉ số này dao động từ 25 đến 29,9 bạn đang bị “thừa
cân” và chỉ được tăng từ 7 đến 11,3 kg để em bé khỏe mạnh. Trong hai giai đoạn then chốt là
tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ, bạn sẽ phải tăng chừng 0,2 kg mỗi tuần. Còn nếu
bạn đang thiếu cân với BMI dưới 18,5, bạn sẽ cần tăng từ 12,5 đến 18 kg để tối ưu hóa sự phát
triển não bộ của em bé. Như vậy tương đương với tăng chừng 0,45 kg mỗi tuần trong tam cá
nguyệt thứ hai và thứ ba. Tương tự với phụ nữ có cân nặng bình thường.
Vậy thì, lượng nhiên liệu cung cấp đóng vai trò quan trọng. Có minh chứng ngày càng rõ rệt
rằng loại thức ăn bạn tiêu thụ trong giai đoạn then chốt của thai kỳ cũng quan trọng không
kém. Quy luật cân bằng tiếp theo là tương quan giữa loại thực phẩm mà bà mẹ muốn ăn và loại
thực phẩm tối ưu đối với quá trình phát triển não bộ của trẻ. Bất hạnh thay, không phải lúc nào
chúng cũng giống nhau.
Bà bầu thường có những trải nghiệm kỳ lạ về sở thích hay việc ghét đồ ăn thức uống khi bước
vào thai kỳ, ví như, đột nhiên thích những món bình thường vẫn kinh hãi và ghê sợ những món
bình thường vẫn mê mẩn. Đó không chỉ là mấy món dưa muối hay kem như những gì các bà
bầu vẫn hay kể bạn nghe. Có người đột nhiên yêu thích điên cuồng phở cuốn với nước chanh –
liền tù tì suốt ba tháng trời. Có người đâm nghiện món củ cải muối chua. Và đông đảo các bà
mẹ mê đá nghiền. Các bà bầu thậm chí còn khao khát những thứ không phải là đồ ăn thức uống.
Một món vẫn thường đứng trong Danh sách 10 món ăn yêu thích kỳ quặc của các bà bầu là
phấn rôm trẻ em. Than cũng trong danh sách này. Một số phụ nữ khác thì thích ăn đất. Dị thực
chính là một chứng rối loạn phổ biến: cảm giác thèm thuồng những thứ không phải là thực
phẩm, ví dụ như gạch hay đất.
Có bằng chứng nào cho thấy bạn nên chú ý tới những nỗi thèm muốn này không? Liệu đó có
phải là tín hiệu của em bé thông báo nhu cầu dinh dưỡng của mình không? Câu trả lời là không.
Cũng có ít nhiều manh mối cho thấy hiện tượng nghén của bà mẹ liên quan đến việc cơ thể
thiếu sắt, nhưng dữ liệu còn rất mỏng manh ít ỏi. Còn chủ yếu đều là do thói quen sử dụng thực
phẩm trong đời sống hằng ngày. Một người hay viện đến sô-cô-la để xoa dịu những cơn âu lo,
sẽ hình thành nỗi thèm sô-cô-la mỗi khi cảm thấy căng thẳng. Mà khi mang thai, phụ nữ lại rất
hay rơi vào trạng thái căng thẳng. (Nỗi thèm sô-cô-la này là một phản xạ có điều kiện, chứ
không phải nhu cầu sinh học). Cho đến giờ, khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao thai phụ
lại hay có những ham thích điên rồ đến thế.
Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là cơ thể không hề có nhu cầu nào về dinh dưỡng. Một bà
mẹ mang thai giống như một con tàu với hai hành khách mà chỉ có một căn bếp. Mà chúng ta
lại mong đợi gian bếp này dự trữ đầy đủ mọi đồ ăn thức uống có lợi cho sự phát triển não bộ.
Trong số 45 loại chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, có tới 38 loại được
chứng minh là thiết yếu với sự phát triển hệ thần kinh. Bạn có thể xem đằng sau bao bì các loại
thực phẩm bổ sung vitamin với công thức dành cho thai kỳ để thấy toàn bộ danh sách này.
Chúng ta có thể nhìn lại lịch sử tiến hóa của con người nhằm có được ít nhiều chỉ dẫn xem nên
ăn gì để bổ sung các chất dinh dưỡng này. Vì chúng ta đã biết ít nhiều về điều kiện khí hậu, bối
cảnh con người phát triển qua hàng triệu năm – một yếu tố hỗ trợ cho chu vi ngày càng tăng
mãi lên của não bộ – ta có thể suy đoán về những loại thực phẩm có tác dụng tốt trong quá
trình đó.
Chế độ ẩm thực của người nguyên thủy