Một bộ phim cũ có tên gọi Hành trình tìm lửa mở ra với cảnh tổ tiên chúng ta đang ngồi bên
ngọn lửa, tóp tép nhai đủ loại thức ăn. Những con côn trùng to đùng bay vo ve quanh ngọn lửa.
Đột nhiên, một trong những người họ hàng xa xưa của chúng ta vung tay ra, tóm lấy một con
côn trùng đang bay, cho vào mồm ăn ngon lành, rồi lại tiếp tục nhìn vào ngọn lửa. Còn có cảnh
mọi người đào xới đất tìm rau củ và hái quả trên cây. Chào mừng bạn đến với chế độ ẩm thực
thượng hạng của kỷ Pleistocene. Các nhà nghiên cứu tin rằng suốt hàng trăm nghìn năm, thực
đơn hằng ngày của loài người chủ yếu bao gồm các cây thân cỏ, trái cây, rau, các loài động vật
có vú nhỏ và côn trùng. Năm thì mười họa mới hạ được một con voi ma mút, thế là sẽ ngốn thịt
liền cả hai, ba ngày sau để món thịt không bị hỏng. May mắn đôi lần mỗi năm, chúng ta mới
được biết vị đường, lấy từ tổ ong nào đó, nhưng cũng chỉ dưới dạng glucose và fructose dễ hấp
thụ. Chính vì đường chưa bao giờ là một thành phần thường xuyên trong trải nghiệm tiến hóa
của chúng ta, chúng ta chưa bao giờ hình thành cơ chế bảo vệ chống lại nó. Một số nhà sinh học
tin đây chính là lý do con người giờ đây dễ bị sâu răng. Chế độ ăn uống kiểu này (à dĩ nhiên, trừ
chuyện ăn côn trùng) ngày nay vẫn được một số nhóm ăn kiêng duy trì với tên gọi là chế độ ăn
uống cổ sinh.
Là vậy, hơi buồn tẻ. Và hẳn quen đến nhàm tai. Một bữa ăn cân bằng, chú trọng hoa quả và rau
củ, vẫn luôn là lời khuyên tốt nhất cho thai phụ. Với những đối tượng không-phải-người-ăn-
chay, nguồn chất sắt dưới dạng thịt đỏ là phù hợp. Chất sắt rất cần thiết cho sự phát triển đầy
đủ và thực hiện chức năng bình thường của não bộ, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, người ăn
chay hay người thường.
Thần dược diệu kỳ
Có rất nhiều ảo tưởng quanh chuyện nên hay không nên ăn thứ gì – không chỉ trong thai kỳ
đâu, mà cả đời bạn kia. Tôi có một cậu sinh viên chăm chỉ, một cậu chàng sâu sắc. Một ngày nọ,
cậu chàng lên gặp tôi sau giờ học, hào hển khoe một loại thần dược “diệu kỳ”. “Thuốc bổ thần
kinh thầy ạ!”, cậu reo lên. “Nó tăng cường trí nhớ, giúp tư duy tốt hơn. Em có nên uống không
thầy?” Cậu đẩy mạnh ra trước mặt tôi một tờ quảng cáo rễ cây bạch quả.
Được chiết xuất từ cây bạch quả, ginkgo biloba đã được quảng cáo suốt nhiều thập niên như
một loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ ở cả người già và người trẻ, thậm chí là một thần
dược điều trị chứng Alzheimer. Những tuyên bố này đã được kiểm nghiệm. Một số nhà nghiên
cứu đã bắt tay nghiên cứu tính dụng của bạch quả. “Thầy rất tiếc – tôi nói với cậu học sinh.
Ginkgo biloba không hề tăng cường nhận thức ở bất cứ nhóm người lớn khỏe mạnh nào – bất
kể là trí nhớ, hay xây dựng thị giác – không gian, hay ngôn ngữ hay tốc độ thần kinh vận động
hay chức năng giám sát.” “Thế với người già thì sao ạ?” Cậu chàng cố vớt vát. “Không hề. Nó
không ngăn ngừa, cũng không làm chậm quá trình Alzheimer hay sa sút trí tuệ. Ngay với chứng
suy giảm nhận thức vì tuổi tác thông thường, cũng không có tác dụng gì. Các loại thực vật khác,
ví như cây lĩnh (được quảng cáo là trị chứng trầm uất) cũng không khả quan hơn.” Cậu trò của
tôi ra về, ủ ê thất vọng. “Việc tốt nhất em có thể làm là đánh một giấc thật say!” Tôi la với theo
cậu bé.
Vì đâu những chuyện hoang đường về dinh dưỡng này lừa phỉnh được cả những đứa trẻ thông
minh sáng suốt như học trò của tôi kia chứ? Thứ nhất, các nghiên cứu dinh dưỡng thực sự rất
khó thực hiện, và thường thiếu vốn trầm trọng. Nhất là khi để chứng minh hiệu quả của thực
phẩm cần những thử nghiệm lâu dài, chặt chẽ, mà thường không thể hoàn thành. Thứ hai, phần
lớn thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ đều rất phức tạp xét ở cấp độ tế bào (rượu vang chẳng
hạn, có thể gồm tới 300 thành phần). Thường rất khó để phân biệt xem phần nào của sản
phẩm ấy thực sự mang lại lợi ích – hay là gây hại.
Cách cơ thể chúng ta xử lý thực phẩm thậm chí còn phức tạp hơn nữa. Chúng ta không biến đổi
thức ăn theo lối giống hệt nhau. Một số người lấy được calo từ một mẩu giấy; có người lại
không thể tăng cân dù đã uống cả sữa cho người gầy. Một số người sử dụng bơ lạc như là
nguồn cung cấp protein chủ yếu; người khác có thể sẽ chết vì bị dị ứng dù chỉ thoáng ngửi thấy