Hồng tâm: Hệ thống phản ứng với stress ở trẻ
Các hóc môn stress ở người mẹ sẽ tác động tới em bé nhờ chuyển vận qua nhau thai và đi vào
não bé, giống như tên lửa hành trình được lập trình để bắn vào hai mục tiêu. Đây chính là nền
tảng của Quy luật trí não: Mẹ căng thẳng, bé sẽ căng thẳng theo.
Mục tiêu tấn công đầu tiên chính là hệ viền của em bé, khu vực điều tiết cảm xúc và trí nhớ.
Vùng này phát triển chậm hơn khi có sự xuất hiện của các hóc môn dư thừa. Đây chính là một
trong những nguyên nhân khiến chúng ta nghĩ rằng nhận thức của trẻ bị tổn hại nếu người mẹ
bị căng thẳng cao độ hoặc căng thẳng triền miên.
Mục tiêu thứ hai là hệ thống phanh mà tôi vừa nhắc tới ở trên, hệ thống vốn có chức năng kiềm
chế mức độ glucocorticoid sau khi cơn stress đã qua đi. Hóc môn dư thừa từ người mẹ có thể
đồng nghĩa với việc bé sẽ gặp khó khăn trong việc tắt hệ thống hóc môn stress của chính mình.
Bộ não của bé sẽ bị “ướp” trong glucocorticoid mà giờ đây không thể kiểm soát được nữa. Bé
có thể mang theo hệ thống phản ứng với stress đã bị tổn hại này tới tuổi trưởng thành, sẽ phải
vất vả mỗi lúc phải vận hành hệ thống phanh khi gặp tình trạng căng thẳng. Mức
glucocorticoid tăng dần trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của bé. Đến khi
mang bầu, người mẹ tương lai này sẽ lại “tắm” cho em bé đang phát triển trong tử cung kia thứ
dung dịch độc hại thừa mứa này. Bào thai hình thành nên một vùng đồi căng thẳng cục bộ, tiết
ra nhiều glucocorticoid, và não bộ của thế hệ tiếp theo teo nhỏ thêm một chút. Vòng tuần hoàn
ác tính cứ thế tiếp tục. Stress thừa mứa là thứ dễ lây truyền: bạn có thể lây từ con mình, và bạn
có thể truyền cho trẻ.
Lấy lại quyền kiểm soát
Rõ ràng căng thẳng không hề tốt cho thai phụ hay em bé. Để trí não của bé phát triển tối ưu,
bạn cần duy trì môi trường lành mạnh, ít căng thẳng nhất, đặc biệt là trong vài tháng cuối thai
kỳ. Bạn không thể đảo ngược hoàn toàn cuộc sống của mình, hẳn nhiên là thế. Nhưng bạn có
thể giảm nhẹ cơn căng thẳng của mình, với sự quan tâm âu yếm dịu dàng của người bạn đời.
Chúng ta sẽ đi sâu về vấn đề này hơn trong chương tiếp theo. Còn trước tiên, bạn nên xác định
những khu vực bạn cảm thấy mất kiểm soát nhất, sau đó chủ động vạch ra các chiến lược lấy
lại quyền kiểm soát. Trong một số trường hợp, điều này đồng nghĩa với việc phải thoát khỏi
tình huống là nguồn cơn gây ra căng thẳng. Một sự trợ giúp tạm thời mang lại sự khuyến khích
có thể chuyển đổi thành lợi ích cả đời cho não bộ của trẻ.
Có rất nhiều cách chủ động rèn luyện để giải phóng stress. Biện pháp hiệu quả hạng nhất phải
kể đến luyện tập thể dục. Nó có rất nhiều lợi ích đến mức chính là chủ đề của quy luật cân bằng
thứ tư và thứ năm.
Tôi không lúc nào hết sửng sốt với vòng đời của loài linh dương đầu bò. Chúng nổi tiếng bởi
tập tính di trú hằng năm trên những bình nguyên Tanzania và Kenya. Hàng ngàn, hàng ngàn
con rùng rùng kéo nhau đi như bị thôi miên. Chúng di chuyển bởi hai nguyên cớ. Đầu tiên và
trên hết, để kiếm tìm những đồng cỏ mới. Nhưng chúng còn có tới 240 kg thịt dự trữ trên cơ
thể; lý do sâu xa khiến chúng phải di chuyển không ngơi nghỉ bởi đã quá quen với cuộc rượt
đuổi của các động vật săn mồi.
Do nhu cầu cấp bách này, phần thú vị nhất trong vòng đời của linh dương đầu bò chính là phần
hoài thai và sinh nở. Giai đoạn hoài thai cũng dài gần như ở con người, khoảng chừng 260
ngày, nhưng những nét tương đồng nhanh chóng kết thúc khi kỳ sinh nở bắt đầu. Linh dương
mẹ đẻ rất chóng vánh. Nếu không có biến chứng gì, con mẹ sẽ phục hồi rất nhanh. Con non
cũng vậy, chúng sẽ đứng lên ngay trên bốn cẳng chân của mình – à, đúng hơn là cái bụng
trướng to đùng – chỉ một giờ sau khi chào đời. Chúng buộc phải thế. Những con non này đại
diện cho tương lai của cả đàn, nhưng chúng cũng là phần dân số non nớt nhất của đàn, có nhiều
khả năng trở thành mồi ngon cho lũ báo đốm khát máu.