là công việc đòi hỏi quá cao, một chứng bệnh mãn tính nào đó, thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng
hay cảnh túng thiếu.
• Quá khốc liệt. Một sự kiện dữ dội, khó khăn xảy ra trong thai kỳ có thể làm tổn thương sự
phát triển não bộ của trẻ. Không nhất thiết phải là một trận bão tuyết, chỉ cần một sự kiện nào
đó có dính dáng đến một mối quan hệ, ví như: ly thân, ly hôn, cái chết của người thân yêu (đặc
biệt là người chồng) cũng gây hậu quả tương tự. Hay như bị mất việc đột ngột hay bị tấn công
hình sự, ví như hãm hiếp. Vấn đề mấu chốt ở đây, một lần nữa, lại là mất kiểm soát.
• Quá sức chịu đựng. Qua nhiều thập niên, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đã rút ra kết
luận rằng có một số người nhạy cảm với các sự kiện gây căng thẳng hơn những người khác.
Nếu bạn dễ bị căng thẳng, thì bào thai của bạn cũng vậy. Chúng ta ngày càng có nhiều bằng
chứng khẳng định rằng tình trạng nhạy cảm với căng thẳng có yếu tố di truyền. Thế nên ai vốn
là tạng người dễ căng thẳng cần cố gắng duy trì những cơn căng thẳng ở mức tối thiểu trong
suốt thai kỳ.
Chuột kìa! Lại tuột tay mất rồi!
Rất nhiều công trình nghiên cứu đã gắng lý giải xem làm cách nào tình trạng căng thẳng ở mẹ
lại ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Và chúng ta đã bắt tay vào trả lời
câu hỏi này ở cấp độ gần gũi nhất có thể: cấp độ tế bào và phân tử. Và chúng ta phải cảm ơn
Hans Selye, một nhà nghiên cứu lập dị vì những tiến bộ có được trong lĩnh vực này. Hans Selye
chính là cha đẻ của thuật ngữ stress. Từ khi là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi, Selye đã tán nhỏ
“các chiết xuất nội tiết”, đoán chừng trong đó có chứa các hóc môn stress chủ động, và tiêm
chúng vào cơ thể chuột, để xem chuột sẽ làm gì. Ông không thạo việc đó cho lắm.
Các máy móc thí nghiệm của ông, dù nói tránh nói giảm đến mấy, vẫn cứ là kinh hoàng. Ông
thường làm rơi những con vật thí nghiệm tội nghiệp khi gắng tìm cách tiêm cho chúng. Ông
phải vác chổi đuổi theo chúng vòng quanh, gắng nhốt chúng vào lại trong chuồng. Chẳng có gì
ngạc nhiên, đám chuột trở nên căng thẳng khi Selye xuất hiện. Ông quan sát thấy rằng chỉ cần
chường mặt ra trước lũ chuột là đã có thể tạo ra phản xạ sinh lý này. Công việc chủ yếu của ông
là tiêm cho các con vật ấy chiết xuất nội tiết và với một nhóm nhỏ khác, là dung dịch nước
muối. Nhưng ông lúng túng khi thấy rằng cả hai nhóm này đều nổi ung nhọt, mất ngủ và trở
nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Sau nhiều lần quan sát, Selye kết luận rằng căng thẳng chính là thủ phạm. Một khái niệm mới
mẻ đến bất ngờ vào thời bấy giờ. Selye cũng phát hiện ra rằng nếu lũ chuột không thể loại bỏ
căn nguyên gây căng thẳng, hoặc không thể đương đầu với nó, thì chúng dễ mắc các loại bệnh
tật và nhiều hệ quả khác. Để miêu tả hiện tượng này, Selye đã dùng thuật ngữ “stress.”
Phát hiện này của Selye đã đề cập đến một vấn đề xưa nay hiếm được quan tâm: mối liên kết
giữa các hành vi hữu hình và các quy trình phân tử vô hình. Công trình của Selye đã cho phép
giới nghiên cứu tìm hiểu xem căng thẳng có thể ảnh hưởng ra sao tới các mô sinh học, bao
gồm cả quá trình phát triển não bộ. Nhờ vào những phát kiến tiên phong này, chúng ta đã hiểu
phần nào tác động của các hóc môn stress tới các mô thần kinh đang sinh trưởng, bao gồm cả
mô thần kinh ở em bé. Dù phần lớn công trình được thí nghiệm trên cơ thể chuột, các quy trình
cơ bản ở người không có gì khác biệt.
Một hóc môn stress quan trọng là cortisol. Nó chính là tuyển thủ ngôi sao trong một đội gồm
toàn những phân tử ngỗ ngược có tên gọi chung là glucocorticoid Những hóc môn này kiểm
soát các phản xạ với stress quen thuộc nhất với chúng ta, từ việc làm cho tim ta đập thình
thịch như xe đua giải NASCAR cho tới cơn buồn tiểu tiện, đại tiện thôi thúc. Glucocorticoid
mạnh mẽ tới mức não bộ đã phải phát triển một hệ thống “phanh” tự nhiên để tắt hóc môn này
ngay khi cơn căng thẳng đã qua đi. Một khu thần kinh nhỏ cỡ một hạt đậu ở ngay giữa bộ não,
gọi là vùng dưới đồi chịu trách nhiệm giải phóng và kìm hãm những hóc môn này.